Tư vấn pháp luật

Nếu thuộc ngành nghề nặng nhọc, độc hại, chế độ của giáo viên mầm non có tốt hơn?

Việt An 10/08/2023 - 10:54

Chế độ của giáo viên mầm non được hưởng những quyền lợi gì nếu thuộc ngành nghề nặng nhọc, độc hại là một trong những vấn đề đang nhận được sự quan tâm và chờ đợi của rất nhiều cô giáo.

Bạn đọc Nguyễn Thị Tuyết (Tuyên Quang) hỏi: Tại Diễn đàn người lao động năm 2023 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ đang phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Thông tin này đang nhận được sự quan tâm và chờ đợi của rất nhiều giáo viên mầm non, trong đó có tôi. Vậy nếu thuộc ngành nghề nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non sẽ được hưởng những quyền lợi gì?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) trả lời:

Bộ GD&ĐT đang phối hợp Bộ LĐ-TB&XH xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Hiện nay, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được phân loại căn cứ vào đặc điểm, điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc.

364204717_255141527336594_2948121199587297622_n.jpg
Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Đây là đề xuất mang tính đột phá, chắc chắn sẽ mang lại nhiều khởi sắc cho ngành giáo dục bởi ở các trường mầm non luôn có 2 hoạt động chính đó là hoạt động giáo dục và hoạt động nuôi dưỡng. Vì vậy giáo viên rất vất vả, ít thời gian nghỉ ngơi, đi làm từ rất sớm về rất muộn, thu nhập chưa tương xứng với công sức lao động, làm việc.

Chính sách này sẽ tạo động lực để đội ngũ giáo viên mầm non cống hiến tốt hơn, tâm huyết hơn với nghề nghiệp của mình, về lâu dài sẽ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho giáo dục mầm non, chính sách này cũng góp phần giúp xã hội nhìn nhận công bằng hơn về sự đóng góp thầm lặng của đội ngũ giáo viên mầm non nói riêng và hệ thống các trường mầm non trên cả nước nói chung.

Khi thuộc nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, thì giáo viên mầm non sẽ được hưởng các chính sách đối với người lao động đang làm công việc nặng nhọc, độc hại. Vì thế, giáo viên mầm non sẽ được hưởng thêm các quyền lợi như: phụ cấp nghề nặng nhọc, tuổi nghỉ hưu được thấp hơn, nhiều chế độ, chính sách hơn khi làm việc, công tác trong lĩnh vực này.

Được hưởng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm, theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động. Nếu người lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm sẽ tùy theo sự thỏa thuận giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động khi giao kết hợp đồng lao động.

Đối với thời gian làm việc, theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần. Tuy nhiên, người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

Đối với chế độ nghỉ phép năm, theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động được nghỉ hằng năm hưởng nguyên lương cụ thể: chế độ nghỉ phép 14 ngày làm việc đối với những người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; chế độ nghỉ phép 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Như vậy, người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được nghỉ phép năm dài hơn so với những người làm công việc bình thường.

Lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019, lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Chế độ hưu trí, theo khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu.

Chế độ ốm đau, theo Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưởng chế độ ốm đau với số ngày: 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày); 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày); 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày);

Chế độ bệnh nghề nghiệp, để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, người lao động phải đảm bảo các điều kiện tại Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại; Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh bệnh nghề nghiệp.

 "Đối với giáo viên mầm non nếu được đưa vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại thì sẽ được hưởng thêm những chế độ trên tốt hơn so với lao động bình thường", Luật sư Đồng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nếu thuộc ngành nghề nặng nhọc, độc hại, chế độ của giáo viên mầm non có tốt hơn?