Chính sách giá điện bậc thang đang cản trở sản xuất và tiêu dùng, cản trở sự phát triển xã hội để khỏa lấp sự yếu kém của ngành điện.
Việc áp giá điện theo tháng, cộng với việc chậm sửa biểu bậc thang đã lỗi thời và việc ghi chỉ sô công tơ điện chểnh mảng được cho là nguyên nhân khiến tiền điện "nhảy" vọt khi mới vào mùa nắng nóng. Đã có những ta thán khiếu nại của người dân vì hóa đơn tiền điện tăng bất thường. Đích thân Thủ tướng Chính phủ có ý kiến yêu cầu ngành điện làm rõ chuyện này và cũng chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cần sửa biểu giá bán lẻ điện bậc thang.
Hoá đơn tiền điện tháng 6 (tính cho kỳ dùng điện tháng 5) tăng đột biến vì thời tiết và việc tính sai hóa đơn điện chỉ là lỗi nghiệp vụ vì công tơ không hỏng và nhân viên có cố tình ghi sai cũng không thể xơ múi gì… Ngành điện giải thích vậy và tính lại cho đúng với cam kết sẽ xem xét tất cả các hóa đơn tăng trên 30%!
Trong khi, dư luận vẫn cho rằng, việc áp dụng giá điện 6 bậc dẫn tới hệ quả là có sự thay đổi lớn tiền điện, thiệt hại cho khách hàng. Là người tham gia giám sát kiểm tra giá thành điện nhiều năm, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, VCCI) cho biết, chính sách giá điện bậc thang có 2 mục đích: Khuyến khích tiết kiệm điện và phân phối tài sản xã hội - người giàu dùng nhiều trả tiền nhiều, người nghèo dùng ít trả tiền ít. Tuy nhiên, biểu giá điện bậc thang của Việt Nam hiện nay tính theo tháng, nên hệ quả rất rõ, đó là sự chênh lệch giữa tháng nóng và tháng lạnh, thậm chí là sự chênh lệch giữa tháng dài ngày, tháng ngắn ngày. Chẳng hạn, tháng 2 có 28 ngày, tháng 3 có 31 ngày, tiền điện đã chênh nhau đến 7% rồi.
Theo vị chuyên gia này, ở nhiều nước, họ cũng tính giá điện theo bậc thang nhưng ít bậc hơn và không tính tháng như Việt Nam. Họ tính theo năm. Việc tính như vậy sẽ không có sự chênh lệch lượng tiêu thụ điện giữa tháng nóng và tháng lạnh. Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng cách này được. Nếu áp dụng tính giá điện bậc thang theo năm, theo kinh nghiệm của các nước, họ vẫn tạm thu tiền theo tháng. Người dân đóng một khoản tiền cố định cho 11 tháng; riêng tháng cuối cùng sẽ chốt số và quyết toán, thừa thiếu thì trả lại cho nhau, đảm bảo công bằng, chính xác.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng khẳng định đã tới lúc phải sửa đổi biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc thang hiện nay. Bởi, theo ông Ngãi, thực tế tỉ trọng dùng điện giữa các hộ, nhất là hộ dùng dưới 50 kWh đã ít hơn nhiều so với trước, nên duy trì bậc 1 thấp nhất ở ngưỡng này không còn hợp lý.
TS Ngô Trí Long, một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, biểu giá điện bậc thang 6 bậc ban hành từ năm 2014, sau một thời gian áp dụng thì nhiều bất cập xuất hiện, công luận yêu cầu sửa chữa là có cơ sở.
Ở nước ta, kinh doanh điện “một mình một chợ” nên khách hàng dùng điện càng nhiều thì giá càng cao, thậm chí đắt gần gấp 2 lần. Chính sách giá điện bậc thang đang cản trở sản xuất và tiêu dùng, cản trở sự phát triển xã hội để khỏa lấp sự yếu kém của ngành điện.
Có thông tin từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, trong quý III, cơ quan này sẽ trình cấp có thẩm quyền việc sửa biểu giá bán lẻ điện bậc thang.