Chiều 14/3 tại Hà Nội, các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực truyền thông đã tham gia buổi tọa đàm “Xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng”.
Tọa đàm gồm có ba mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực truyền thông tham gia. Đó là Liên minh Truyền thông và Quyền của nhóm dễ bị tổn thương (RiM), nhóm Quản trị Quyền trẻ em Việt Nam (CRG) và Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó với Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet).
Tọa đàm diễn ra nhằm thể hiện rõ quan điểm, tiếng nói của các tổ chức xã hội trước nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Tại buổi tọa đàm TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội nhận định, vấn đề bạo lực tình dục trẻ em ngày càng trở nên nóng bỏng bởi các sự vụ không được giải quyết một cách nhanh chóng, quyết liệt và và triệt để.
Theo TS. Hồng, sự im lặng của gia đình nạn nhân, của cộng đồng, của cơ quan chức năng và sự im lặng của các bên khác nữa... đã khiến các vụ bạo lực tình dục, xâm hại tình dục trẻ em không bị phơi bày ra ánh sáng và vì thế mà kẻ thủ ác vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. "Tại sao lại im lặng?" - bà Hồng đặt câu hỏi và khẳng định rằng, nguyên nhân sâu xa nhất chính là văn hóa Việt Nam rất ngại đề cập đến vấn đề tình dục, hiếp dâm, cưỡng dâm…
Khách mời tại buổi tọa đàm
“Nền văn hóa của Việt Nam rất kỳ lạ khi đòi hỏi người con gái lúc kết hôn phải còn trinh nhưng lại im lặng khi đứa bé bị hiếp dâm. Chúng ta cần thay đổi điều đó. Nạn nhân và gia đình im lặng bởi vì nếu nói ra, họ sợ đứa bé đó sẽ không có tương lai. Nếu sự việc vỡ lở, có khi gia đình nạn nhân còn buộc phải rời khỏi quê hương để không còn ai nhớ đến họ hay nhắc lại chuyện đau lòng đó nữa” – TS. Khuất Thu Hồng trăn trở.
Những nhận thức chưa đúng mực về tình dục khiến xã hội gần như đang lảng tránh, chối bỏ, thậm chí quy lỗi cho nạn nhân. Nhiều người vẫn quan niệm rằng, người phụ nữ phải có trách nhiệm với tiết hạnh của mình. Nhưng, một đứa trẻ làm sao biết tự bảo vệ mình?
Cùng quan điểm với TS. Khuất Thu Hồng, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên – CSAGA, đặt câu hỏi: “Tại sao con em chúng ta bị xâm hại mà không biết cần nói với những ai? Tại sao những con số trẻ bị xâm hại tình dục cứ lớn lên từng ngày? Chúng ta đều biết đau lòng nhưng điều đó sẽ là vô nghĩa nếu như tất cả không biến thành hành động”.
Theo bà Nguyễn Vân Anh, các bậc cha mẹ cần chủ động trang bị kiến thức, sự nhạy cảm về giới để hướng dẫn con em của mình biết cách phòng tránh loại tội phạm này. Bên cạnh đó, bà Vân Anh khẳng định, việc xử lý các trường hợp bạo lực tình dục thật nghiêm minh cũng là bài học cảnh báo cho những kẻ khác.
Bên cạnh các rào cản về văn hóa, các nhà nghiên cứu xã hội cũng cho rằng cần có sự giáo dục từ bố mẹ. Những giây phút mẹ và con gái cùng thì thầm bên gối, rằng con phải làm gì vô cùng hiệu quả. Đặc biệt, chúng ta phải dạy cho cả con trai. Bố mẹ phải có kỹ năng trong giáo dục con cũng như lưu giữ bằng chứng khi có chuyện không hay xảy ra với con. Có thể nói rằng truyền thông phải bắt đầu từ việc giáo dục cha mẹ.
Bày tỏ quan điểm của mình, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - chuyên gia luật Dân sự cho biết thêm, những định kiến xã hội, những lời gièm pha... chính là những rào cản tâm lý lớn khiến người bị hại chưa được bảo vệ một cách triệt để. Tuy nhiên, giải quyết điều đó không thể trong một sớm, một chiều vì cho đến nay, giáo dục giới tính chưa được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông một cách đầy đủ, khoa học và hiệu quả. "Đáng lẽ ra từ bậc Tiểu học, trẻ đã phải được học về cách bảo vệ thân thể" - Luật sư Truyền nói.