Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội khi thảo luận về Dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) ngày 3/11. Theo đó, các ý kiến nhận định khi giao lại nhiệm vụ này cho Tòa án sẽ tháo gỡ được phần lớn những bất cập trong công tác thi hành án dân sự hiện nay.
ĐB Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng, khoản 43, Điều 1 của Dự thảo Luật chỉ quy định quyền hạn của TANDTC, TAND cấp cao yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thông báo kết quả thi hành án và chỉ trong trường hợp cần thiết là chưa đầy đủ. Vì vậy, cần quy định quyền của Tòa án các cấp, kể cả Tòa án quân sự có quyền yêu cầu các cơ quan thi hành án thông báo tiến độ và kết quả thi hành án đối với mọi bản án, quyết định của Tòa án không chỉ trong trường hợp cần thiết và không chỉ trong trường hợp Tòa án yêu cầu.
ĐB Nguyễn Sơn cũng đồng tình với việc quy định cơ quan thi hành án thường xuyên báo cáo về tiến độ kết quả thi hành án. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án trong việc theo dõi thi hành bản án và khi có đơn yêu cầu thi hành thì Tòa án theo dõi và chủ động xem xét trong quá trình thi hành án.
ĐB Trần Văn Độ (An Giang) phát biểu thảo luận
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, Dự thảo Luật chỉ quy định quyền của Tòa án yêu cầu báo cáo, còn không quy định trách nhiệm của cơ quan thi hành án, sẽ dẫn đến trong thực tiễn không hiệu quả và có thể gây những tranh luận không cần thiết. Đề nghị bổ sung vào Điều 38 Luật Thi hành án dân sự, trách nhiệm cơ quan thi hành án, gửi quyết định thi hành án cho Tòa án và đáp án quyết định đó ngoài các đương sự, ngoài Viện kiểm sát. Việc này để đảm bảo phục vụ cho hoạt động hiệu quả và phối hợp giữa các cơ quan, báo cáo với Quốc hội.
Hiện nay, việc kiểm sát công tác thi hành án là một vấn đề rất lớn, ngoài quy chế phối hợp của Bộ Tư pháp - TANDTC - VKSNDTC - Bộ Công an ra thì chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ mà đây chỉ là đối chiếu đối với các bản án, quyết định có thi hành. Trên thực tế, dư luận rất quan tâm đến việc các bản án khó thi hành hiện nay. Theo báo cáo của cơ quan thi hành án dân sự thì số việc tồn đọng hiện nay chủ yếu là án phí và tiền phạt thu cho ngân sách Nhà nước. Người phải thi hành án hầu hết là người phạm các tội về ma túy, án tù 10, 20 năm, chung thân thậm chí đã tử hình hoặc là những người nghiện ma túy, phạm tội.
ĐB Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC đã lý giải việc án khó thi hành có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan như ngoài việc, một số các bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, khó thi hành thì không ít trường hợp là do năm 1997, khi chúng ta sửa đổi Bộ luật Hình sự, các tội phạm về ma túy thời điểm đó quy định hình phạt bổ sung bắt buộc là phạt tiền, cho nên các Tòa án xét xử tất cả các tội phạm về ma túy ở thời điểm đó đều phạt tiền. Nhưng các đối tượng bị phạt tiền là con nghiện, đối tượng mua bán lấy tiền để sử dụng chất ma túy thì có thể không có tài sản và hầu hết chưa có gia đình, dẫn đến tình trạng bản án không thi hành được. Bên cạnh đó, còn có nhiều trường hợp đối tượng phải thi hành án bỏ đi khỏi nơi cứ trú không tìm được, không xác định được địa chỉ hiện tại của họ để thi hành.
Còn ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề nghị Quốc hội giao lại công tác thi hành án dân sự cho TAND như trước năm 1994. Ông cho biết, tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ đưa nội dung chuyển TAND ra quyết định thi hành án, chứng tỏ Chính phủ biết rõ việc tách trách nhiệm của Tòa án ra khỏi thi hành án thì công tác thi hành án đạt hiệu quả rất thấp. Bởi vì, xét xử, thi hành án vốn là hai nội dung thống nhất của một quá trình tố tụng, công tác thi hành án được khởi động ngay từ khi thụ lý như thu dự phí và diễn ra trong suốt quá trình thi hành án như giao nhận tang vật, thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời, bồi thường tính mạng, sức khỏe, đưa người trở lại làm việc... Do vậy, tách trách nhiệm của Tòa án tức là cắt khúc tố tụng, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa Toà án và cơ quan thi hành án dân sự, dẫn đến thi hành án kém hiệu quả và án tồn đọng sẽ tăng lên. Vậy, trả lại chức năng này cho Tòa án sẽ hài hòa, gắn trách nhiệm của cán bộ Tòa án với công tác thi hành án dân sự.
“Công việc của hai cơ quan nay giao cho một cơ quan đương nhiên sẽ đơn giản hơn rất nhiều, các vụ án sẽ được giải quyết nhanh gọn hơn, đảm bảo thời gian và đảm bảo được hiệu quả”, ĐB Thường nhấn mạnh.