Đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương có mức thu phí cao nhất nước, cao hơn nhiều lần phí của Mỹ, nên đang bị tẩy chay. Con số thống kê cho thấy các xe khách, xe tải lớn né đường cao tốc ngày càng cao khiến Quốc lộ 1 trở lại quá tải.
Dự án đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương có tổng chiều dài 61,8km, trong đó 39,8km cao tốc và 22km tuyến nối, đi qua địa bàn TP.HCM, Long An và Tiền Giang.
Đây là một trong những cung đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam đã được thông xe và đưa vào sử dụng đầu năm 2010; là công trình đường cao tốc đầu tiên được xây dựng bởi công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay. Hẳn vì vậy, người ta đặt ra mức phí quá cao: xe dưới 12 ghế ngồi, xe có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng có mức phí từ 10.000-40.000 đồng/lượt. Xe từ 12 -30 ghế ngồi, xe có trọng tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có mức phí 15.000-60.000 đồng. Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có trọng tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 22.000-88.000 đồng. Xe có trọng tải lớn trên 18 tấn hoặc xe chở hàng container 40 feet mức phí cao nhất là 320.000 đồng/lượt. Mức thu cao quá khiến các xe khách, xe tải trọng lớn, xe container 40 feet đều muốn né trạm vì dù có chạy vòng, chạy chậm hơn nhưng rẻ hơn.
Dư luận phàn nàn rằng mức phí này cao gấp 4 lần phí trên Quốc lộ 1A và cầu Mỹ Thuận. Người ta tính toán hợp đồng cho thuê xe 5-7 chỗ từ Tiền Giang đi Tp. HCM là 750.000 đồng/ngày. Sau khi trừ hết chi phí thì còn được 300.000 đồng, chưa kể khấu hao. Nếu chạy đường cao tốc sẽ mất 80.000 đồng phí/2 lượt thì hết lãi. Các tài xế xe tải cho biết với mức cước vận chuyển khoảng 4 triệu đồng/chuyến, nếu chỉ đi Quốc lộ 1A thì nhà xe còn lời gần 1 triệu đồng. Còn đi đường cao tốc phải nộp phí 320.000 đồng/lượt thì coi như nhà xe trắng tay. Vì vậy phần lớn xe khách, xe tải đều chuyển về Quốc lộ 1A.
Sau 3 ngày thu phí, lượng xe qua cao tốc TP.HCM - Trung Lương giảm gần 50% so với trước kia vì mức phí quá cao. (Ảnh: H.C)
Theo thống kê, lượng xe qua đường cao tốc đã giảm tới 40-50% so với trước ngày thu phí. Để ứng phó, thay vì xem lại mức phí siêu cao, người ta đang tính xây dựng một trạm thu phí trên Quốc lộ 1A đoạn giáp ranh tỉnh Long An và Tiền Giang để thu của xe “né” đường cao tốc. Kế hoạch này tiếp tục vấp phải sự phản ứng của người dân. Có chuyên gia cho rằng theo quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Phí và lệ phí năm 2001, thì sự ra đời của trạm thu phí này là không phù hợp. Ngoài ra, Thông tư 90 của Bộ Tài chính năm 2004 quy định khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm thu phí là 70km. Còn quãng đường từ trạm thu phí An Lạc (huyện Bình Chánh, TP. HCM) đến trạm thu phí sắp xây trên Quốc lộ 1A chỉ khoảng 50km mà thôi.
Đường cao tốc là công trình giao thông, cũng là một loại hình dịch vụ. Người dân có quyền lựa chọn dịch vụ theo nhu cầu và khả năng tài chính của mình. Nhưng thật vô lý khi có đường cao tốc mà vẫn đi đường cũ chỉ vì phí quá cao! Người dân ai chẳng muốn được đi ôtô trên đường cao tốc vì nhanh, không xóc, không dồn ứ như đi trên Quốc lộ 1A. Thu phí cao khiến giá cả hàng hóa sẽ tăng theo. Rốt cuộc chỉ người dân phải lãnh đủ. Thế thì xây dựng ra để làm gì cho lãng phí nhỉ? Tin mới nhất cho hay, mức phí đã được xem xét lại.
Bảo Dân