NASA từng bước chinh phục Mặt Trăng bằng chương trình Artemis

Minh Anh| 29/08/2022 14:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nửa thế kỷ kể từ khi kết thúc chương trình Apollo nhằm đưa con người lên Mặt trăng, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ một lần nữa tìm cách đưa con người trở lại vệ tinh duy nhất của Trái đất này bằng việc khởi động chương trình Artemis.

Mục đích của chương trình là thiết lập cơ sở hạ tầng lâu dài trên Mặt trăng, từ đó tạo bàn đạp cho các chuyến du hành tham vọng hơn trong tương lai.

Theo Bloomberg, tên lửa của sứ mệnh Artemis 1 sẽ khởi động chuyến bay thử nghiệm không người lái quanh Mặt Trăng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy (KSC) ở Florida, Mỹ vào ngày 29/8.

nasa2.jpg
Mục đích của chương trình là thiết lập cơ sở hạ tầng lâu dài trên Mặt trăng, từ đó tạo bàn đạp cho các chuyến du hành tham vọng hơn trong tương lai.

Đây sẽ là chuyến bay đầu tiên của siêu tên lửa Hệ thống phóng vũ trụ (SLS), tên lửa mạnh nhất NASA từng chế tạo, đồng thời là cuộc thử nghiệm quan trọng đối với tàu vũ trụ Orion.

NASA và các bên hợp tác đã cược lớn cho sứ mệnh quan trọng này, bởi đây là nhiệm vụ đầu tiên với những phương tiện mới của NASA kể từ khi cơ quan này ngừng hoạt động Chương trình tàu con thoi từ hơn một thập kỷ trước.

Sau khi phi đội tàu con thoi ngừng hoạt động, NASA đã phải phụ thuộc vào tên lửa Soyuz của Nga, tên lửa Falcon 9 và tàu vũ trụ Dragon của SpaceX và để đưa phi hành gia lên vũ trụ.

Theo Bloomberg, Artemis 1 mang theo rất nhiều tham vọng và mục tiêu lớn của NASA. Sứ mệnh vũ trụ này sẽ mang đến thành công nhưng cũng có thể đem về thất bại cho cơ quan hàng không.

“NASA cần chứng minh rằng hệ thống này thật sự hoạt động. Đây là rủi ro lớn nhất của họ”, Casey Dreier, cố vấn tại Planetary Society, nhận định.

Để chuẩn bị cho lần trở lại Mặt Trăng này, NASA đã phải trải qua một chặng đường dài với rất nhiều khó khăn. Sau khi sứ mệnh Apollo đưa con người lên Mặt Trăng kết thúc, nhiều chính phủ đã phản đối và yêu cầu hoãn các chương trình vũ trụ tương tự do lo ngại về ngân sách.

Với sứ mệnh Artemis, mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ từ Quốc hội Mỹ, chương trình này vẫn vấp phải hàng loạt chướng ngại.

Trong sứ mệnh Artemis I, tàu vũ trụ Orion sẽ được phóng vào ngày mai mà không có phi hành đoàn. Tàu sẽ bay quanh quỹ đạo Mặt trăng và trở lại Trái đất 42 ngày sau đó.

nasa.jpg
Artemis 1 sẽ được phóng vào ngày 29/8. Ảnh: NASA.

Nhiệm vụ chính trong lần phóng này là thăm dò, sau đó các hành trình khám phá tiếp theo sẽ lần lượt được thực hiện vào các năm 2024 và 2025.

Mục đích của chương trình là thiết lập cơ sở hạ tầng lâu dài trên Mặt trăng, từ đó tạo bàn đạp cho các chuyến du hành tham vọng hơn trong tương lai là đưa con người lên sao Hỏa.

Ông Jacob Bleacher - Giám đốc nhiệm vụ phát triển khai thác của NASA: "Thật tuyệt vời, chuyện này đang trở thành hiện thực. Chúng tôi sẽ viết tiếp chương trình khám phá không gian. Tôi đã nói với cộng đồng khoa học của mình rằng, mọi người hãy thắt dây an toàn vào, chúng ta sẽ lên Mặt trăng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NASA từng bước chinh phục Mặt Trăng bằng chương trình Artemis