Nạo phá thai - Nguy cơ hủy hoại cuộc sống của giới trẻ hiện đại Bài 1: Đắng lòng gái nông thôn đi “giải quyết”

congly.com.vn| 13/04/2012 11:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sợ mang tiếng, có những cô gái trẻ ở quê “dính bầu” đã phải lặn lội lên thành phố tìm nơi “giải quyết”. Dẫu sao họ vẫn còn “sáng suốt” hơn nhiều người khác. Không dám đến bệnh viện vì dễ gặp người quen, nhiều em tìm đến “lang băm”, “lang vườn”, mà kết cục là những hậu quả đau lòng.

Đi đâu cũng sợ gặp người quen


So với những cô gái trẻ khác đến tư vấn bỏ thai ở Trung tâm Kế hoạch hóa gia đình (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), Nguyễn Thị Mỹ T. (Phú Lương, Thái Nguyên) tỏ ra rụt rè và căng thẳng hơn nhiều. Dáng người nhỏ bé có phần quê mùa, bụng đã hơi lộ dưới làn áo hoa, nước mắt vòng quanh kể với bác sĩ hành trình “kỳ công” tìm nơi bỏ cái thai 11 tuần tuổi của mình và bạn trai: “Em và anh ấy trót lỡ có mỗi một lần. Người nhà chúng em mà biết thì chết vì anh ấy còn đi học. Định bỏ nhưng đi đâu cũng sợ gặp người quen”.

Nhiều cô gái vượt hàng trăm km lên Hà Nội để “giải quyết” nhằm tránh người quen

Theo giấy CMT, cô gái này mang thai khi còn chưa đủ 18 tuổi. Không dám vào Bệnh viện Phú Lương vì quá gần nhà, hai cô cậu đã đèo nhau bằng xe đạp lên Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên, đang nhấp nhổm ngó trước ngó sau thì nhìn thấy bà cô ruột chàng trai, cả hai hoảng quá đi thẳng ra bến xe, tìm mãi mới có xe nhận chở xe đạp về Hà Nội. Tới bến xe Mỹ Đình, cô cậu lại cậy cục hỏi đường đưa nhau vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đùn đẩy nhau mãi, chàng trai đứng ngoài trông xe, còn cô gái vào viện.


Sau khi tư vấn và hướng dẫn cô gái điền cam kết, hoàn thiện thủ tục để vào làm thủ thuật, cô bác sĩ chép miệng: “Mấy đứa này như thế vẫn còn khôn chán. Nhiều trường hợp ở quê không dám vào bệnh viện công vì sợ người nhà, phải đi phá thai chui, nhờ lang vườn hoặc tự mua thuốc về uống thì hậu quả không biết đâu mà lường”. Lật bệnh án, chị cho biết vừa qua viện đã tiếp nhận một trường hợp là một cô gái trẻ chưa chồng ở Bắc Ninh nhờ người quen mua thuốc phá thai nội khoa về uống, kết quả là băng huyết, tụt huyết áp, người co giật, bố mẹ đưa vào cấp cứu chỉ chậm vài chục phút là tính mạng không cứu được.

“Phá thai nội khoa chỉ được chỉ định cho những trường hợp thai dưới 6 tuần, thai phụ không có tiền sử bệnh gan thận. Đằng này thai đã 3 tháng mà vẫn liều uống thì thực sự là... muốn chết”. Bác sĩ cho biết, hầu như ngày nào viện cũng phải tiếp nhận một vài ca tai biến do phá thai không đúng kỹ thuật, do người không có chuyên môn thực hiện từ các địa phương chuyển lên, đa phần đều là các cô gái trẻ trót lỡ mà không dám vào viện, sợ bại lộ với gia đình.


Cũng từ Thái Nguyên xuống nhưng Trần Thu N. lại được cả bố và mẹ “hộ tống”. Cô gái trẻ còi cọc, bụng chỉ hơi nhu nhú nhưng cái thai đã gần 7 tháng. Khi các bác sĩ cho biết thai quá to, không thể tiến hành làm thủ thuật được thì bà mẹ òa khóc, năn nỉ các bác sĩ cứu lấy “danh dự” nhà mình. Qua câu chuyện, N. lỡ có bầu với người yêu, nghe bạn bè rỉ tai giấu gia đình cắt thuốc nam về uống, thấy bụng chướng, đau lâm râm nhưng không to lên là mấy nên nghĩ là thuốc có hiệu quả.

Đến khi bà mẹ phát hiện ra thì cái thai đã được 2/3 chặng đường, cùng với chẩn đoán là cả mẹ và con bị suy dinh dưỡng nặng, chớm nhiễm độc thai nghén do dùng thuốc nam tùy tiện. Cả nhà chỉ hơi xuôi xuôi khi các bác sĩ tư vấn cứ để cho N. sinh con rồi sẽ cho làm con nuôi, nhưng lại không biết lấy chỗ nào cho con ở đợi đến ngày “khai hoa nở nhụy”. “Vác cái bụng này về làng thì chỉ có “đeo mo vào mặt”. “Đành phải về bán bớt ruộng để cho hai mẹ con ở Hà Nội chờ ngày đẻ chứ biết làm thế nào?”, ông bố thở dài đánh thượt, cô gái trẻ gục đầu vào vai mẹ khóc tấm tức.


Dẫu mang tiếng, xin đừng tìm đến “lang băm”


Lác đác thời gian gần đây, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc vẫn có hiện tượng lang băm phá thai bằng... que, gây tai biến nghiêm trọng cho nhiều sản phụ (như trường hợp bà lang É, ông lang Lon ở Hòa Bình, tuy đã nhiều lần bị chính quyền nhắc nhở, phạt hành chính nhưng vẫn lén lút hành nghề). Điều này không thể đổ lỗi cho sự yếu kém của mạng lưới y tế cơ sở. “Hệ thống y tế cơ sở của chúng ta nói chung là tương đối tốt, các trạm y tế cấp xã cũng có đủ dụng cụ và y bác sĩ chuyên môn để thực hiện các thủ thuật kế hoạch hóa gia đình đơn giản.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là dư luận”, BS.Trịnh Thanh Nga, chuyên gia về y tế cộng đồng nhận xét. “Ở làng quê, môi trường bó hẹp, cả làng đều biết nhau, chuyện một cô gái trẻ chưa chồng vào nạo hút thai ở trạm y tế là điều không thể chấp nhận được. Thậm chí có lên huyện, lên tỉnh thì khả năng gặp người quen vẫn rất cao. Đất lề quê thói, một người biết là cả làng, cả xã sẽ biết”. Chính vì vậy, hiện tượng phá thai nhờ lang băm vẫn khá phổ biến.

Anh Nguyễn Ngọc Tư, cán bộ làm công tác Đoàn thanh niên ở Lạng Giang, Bắc Giang cho biết, cùng với sự phổ cập của các phương tiện thông tin và du nhập lối sống thành phố, thì quan niệm về tình dục trong thanh niên nông thôn cũng “thoáng” hơn nhiều. Tuy nhiên, các kiến thức về giới tính lại không theo kịp khiến “hậu quả” xảy ra thường xuyên hơn trước rất nhiều. “Ở quê, chuyện ăn cơm trước kẻng vẫn là điều cấm kỵ, nên nhiều đôi xác định là sẽ lấy nhau vẫn phải “giải quyết” trước khi cưới, nếu không thì cả nhà cả họ mang tiếng.


Một xu hướng khác cũng hết sức nguy hiểm là việc tự ý dùng thuốc nội khoa như đã đề cập ở trên. Báo đài, internet về nông thôn đã khiến nhiều bạn trẻ nghe “phong thanh” về phương pháp này và coi nó là “giải pháp” tối ưu khi... trót dại, bởi nó vừa kín đáo, bí mật, rẻ tiền và theo họ nghĩ là an toàn. Có người lên Hà Nội mua, cũng có người nhờ người quen, bạn bè mua giúp hoặc lân la hỏi ở các cửa hàng thuốc. Trong đa số các trường hợp, họ đều mua được thuốc với chi phí không quá cao. Chỉ đến khi tai biến xảy ra thì mọi việc có thể đã quá muộn.


Bài 2: Rùng mình phá thai lúc 0 giờ
Hải Yến

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nạo phá thai - Nguy cơ hủy hoại cuộc sống của giới trẻ hiện đại Bài 1: Đắng lòng gái nông thôn đi “giải quyết”