Tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan Nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tổ chức sáng nay 15/9, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du đã trình bày tham luận của TANDTC.
Hội nghị toàn quốc các cơ quan Nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối 138 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quân khu, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.
Tại Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du đã trình bày tham luận của TANDTC với chủ đề: "Nâng cao úy tín của TAND xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, thực hiện quyền tư pháp".
Theo đó, trong nhiệm kỳ qua, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, Tòa án các cấp đã đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá, sáng tạo nâng cao chất lượng xét xử; đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Những thành tựu, dấu ấn nổi bật đó là:
Thứ nhất, hệ thống TAND đã tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng xét xử; hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu quan trọng Quốc hội giao với chất lượng cao.
Thứ hai, Tòa án các cấp đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; góp phần hiện thực hoá và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Việc xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ. Có thể nói, chưa bao giờ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh và thu được kết quả nổi bật, rõ nét như hiện nay.
Thứ ba, tích cực tham gia xây dựng thể chế; tăng cường công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. Đã ban hành nhiều văn bản đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, nhiều văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật để xử lý tội phạm tham nhũng, chức vụ, kinh tế.
Thứ tư, tăng cường công khai, minh bạch và bảo đảm sự giám sát của Nhân dân đối với hoạt động Tòa án thông qua việc thực hiện công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử TAND, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia tố tụng hoặc có công việc tại Tòa án, cho đến nay đã có 112.939.770 lượt người truy cập.
Thứ năm, thực hiện các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; đổi mới mô hình phòng xét xử, tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Thứ sáu, hệ thống tổ chức của Tòa án các cấp không ngừng được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ của Tòa án đã trưởng thành qua thực tiễn, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; quan hệ phối hợp giữa Tòa án với các cơ quan hữu quan ở Trung ương và địa phương¸ ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn.
Thứ bảy, từng bước củng cố, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho Tòa án nhân dân theo Nghị quyết của Quốc hội, như xây dựng trụ sở; đổi mới trang phục xét xử của Thẩm phán.
Thứ tám, hoạt động hợp tác quốc tế được mở rộng và tăng cường. Chủ động tham gia và có nhiều sáng kiến trong các thiết chế tư pháp đa phương, song phương. Đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Chánh án ASEAN nhiệm kỳ 2020-2021, tạo nên uy tín, vị thế của Tòa án Việt Nam trong các thiết chế tư pháp quốc tế.
Đạt được những thành tựu, kết quả nổi bật như trên là do trong nhiệm kỳ qua, Cấp ủy Tòa án các cấp đã nhận thức đúng đắn và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XII; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng trong toàn hệ thống TAND.
Ngay sau thành công của Đại hội XIII, Ban cán sự đảng TANDTC đã chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung:
Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đến toàn thể cán bộ, công chức trong hệ thống Tòa án, hiện thực hóa Nghị quyết vào các mặt hoạt động của Tòa án.
Xây dựng Chương trình hành động toàn khóa nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó, xác định 25 nhiệm vụ, công tác lớn và phân công cụ thể cho các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo.
Ban hành Kế hoạch số 03-KH/BCSĐ ngày 03/6/2021 về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị, Kết luận của Đảng về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong TAND.
Tổ chức nghiên cứu, xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp tại TAND theo sự phân công. Tham gia xây dựng Chiến lược hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Đề xuất với Bộ Chính trị, Quốc hội, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiều vấn đề lớn như: Đổi mới tổ chức bộ máy của TAND tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án; xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam…
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định và bổ sung nhiều định hướng lớn cho công tác Tòa án thời gian tới, trên cơ sở đó, Ban cán sự đảng TANDTC đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 25 giải pháp, tập trung vào những nội dung chính sau đây:
1. Quán triệt và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp, cải cách tư pháp. Bảo đảm và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng đối với Tòa án. Nỗ lực phấn đấu, hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng giao phó.
2. Nâng cao chất lượng xét xử và uy tín của Tòa án, để Nhân dân cảm nhận và thụ hưởng được công bằng và lẽ phải; nghiêm minh và nhân văn trong mỗi phán quyết tư pháp. Tích cực, chủ động, tham mưu có hiệu quả cho Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xử lý, xét xử các hành vi tham nhũng, tiêu cực bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, thượng tôn pháp luật; Tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử, tổng kết thực tiễn xét xử và phát triển án lệ.
3. Xây dựng TAND trong sạch, vững mạnh và chuyên nghiệp; tăng cường công khai, minh bạch, đổi mới thủ tục tố tụng tư pháp tại Tòa án nhằm phục vụ tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận thông tin tư pháp và Tòa án. Đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp đột phá để tăng cường sự giám sát của Nhân dân, cơ quan dân cử và công luận đối với Tòa án. Tổ chức Tòa án theo hướng hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghiên cứu, đề xuất tổ chức Toà án cấp sơ thẩm không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2014.
4. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong TAND; Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ Tòa án. Xây dựng đội ngũ Thẩm phán thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật.
5. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo cho hoạt động của các Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện sự uy nghiêm của cơ quan xét xử. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án. Nghiên cứu, xây dựng Tòa án điện tử.
6. Chủ động mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là quan hệ song phương với các nước, các đối tác chiến lược, quan trọng. Tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, tổ chức quốc tế về tư pháp. Đẩy mạnh đào tạo cán bộ phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế.
Từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Ban cán sự đảng TANDTC tin tưởng vững chắc rằng, dưới sự lãnh đạo, sự quan tâm thường xuyên, sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân cả nước, công tác nội chính trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn.