Mặc dù con số trẻ em tử vong tăng cao, song nhiều gia đình vẫn chưa nhận thức đầy đủ và trang bị kỹ năng phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ.
60 phút có hơn 100 trẻ em tử vong
Theo số liệu được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) công bố trong buổi họp báo tháng hành động vì trẻ em ngày 27/5, mỗi ngày ở Việt Nam có 580 trẻ em bị tai nạn thương tích.
Mặc dù chỉ mới đầu hè, nhưng trong những ngày đầu tháng 5 đã xảy ra những vụ đuối nước thương tâm gây tử vong nhiều học sinh. Điển hình nhất là vụ 9 học sinh lớp 6 đã tử vong khi tắm song tại sông Trà Khúc, xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi, hay vụ 4 nữ sinh lớp 7 đuối nước tử vong ngày 4/5 tại tỉnh Long An và rất nhiều những vụ chết đuối thương tâm khác để lại nỗi đau vô bờ bến cho những bậc làm cha, làm mẹ.
Mặc dù tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước gia tăng, nhưng thực tế vẫn còn nhiều địa phương chưa coi trọng trong việc phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em trong khi môi trường sống và môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích cho con trẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan, tai nạn, thương tích trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu. Mỗi năm, toàn thế giới có khoảng 900.000 trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích, tương đương với gần 2.500 em tử vong mỗi ngày, mỗi giờ có hơn 100 trẻ em tử vong.
Ở Việt Nam, trong giai đoạn 2010 – 2014, trung bình mỗi ngày có khoảng 580 trẻ em bị tai nạn thương tích các loại như tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, điện giật, bỏng. Mỗi ngày có hàng chục gia đình chịu mất mát, đau thương vì sự ra đi mãi mãi của các con, em do tai nạn, thương tích. Tai nạn, thương tích cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên khuyết tật cho trẻ em và có thể kéo dài suốt cuộc đời.
Trước tình hình tai nạn, thương tích trẻ em tăng cao, bà Lan cho biết mặc dù Chính phủ và các Bộ, ngành, các địa phương đã có nhiều giải pháp về phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, tuy nhiên, tình hình tai nạn thương tích ở trẻ em vẫn cao gấp 8 lần các nước phát triển. Nguyên nhân chính gây tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em phần lớn là do đuối nước và tai nạn giao thông đường bộ.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, con số trẻ em tử vong tăng cao cũng một phần nói lên trách nhiệm của nhiều gia đình chưa nhận thức đầy đủ và chưa trang bị kỹ năng phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em dẫn đến những trường hợp trẻ em bị tử vong không đáng có. Ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đặc biệt là việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của một bộ phận người dân chưa cao.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch để chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước trong học sinh, sinh viên.
Thực hiện Công điện số 641/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả tai nạn học sinh đuối nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc các Sở GD&ĐT phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, gia đình và cộng đồng về các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh.
Đồng thời chỉ đạo các nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh về ý thức phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước; đưa nội dung giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước vào các hoạt động của trường, lớp, Đoàn, Đội; khuyến cáo học sinh không tắm, bơi ở những nơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh; sông, suối, thác, ghềnh hiểm trở và những nơi nguy hiểm khác.
Bên cạnh đó phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các Sở, ban ngành liên quan tổ chức các hoạt động hè vui tươi, lành mạnh và an toàn cho học sinh. Tham mưu bố trí nguồn kinh phí hợp lý, đồng thời tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội để tổ chức dạy bơi cho học sinh nhằm nâng cao kỹ năng bơi, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh. Đề xuất địa phương lắp đặt hệ thống các biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao có thể xảy ra đuối nước, những khu vực vắng người qua lại trên địa bàn.
Các Sở GD&ĐT cũng cần phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về bơi cho đội ngũ giáo viên thể dục; khai thác, sử dụng có hiệu quả các công trình thể thao trên địa bàn, trong đó có các bể bơi, có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh được học bơi; đồng thời khuyến khích, vận động cha mẹ học sinh cho con em tham dự các lớp học bơi trong dịp hè.
Dạy trẻ kỹ năng an toàn dưới nước
Bàn về giải pháp để giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng, Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em cho rằng để hạn chế tai nạn đuối nước cho trẻ em cần sự trách nhiệm và chung tay của toàn xã hội. Trong đó, việc phổ cập dạy bơi, dạy các kỹ năng an toàn dưới nước và hỗ trợ trang thiết bị bơi như áo phao và hướng dẫn kỹ năng sử dụng áo phao cho trẻ em ở một số xã có sông, suối, ao, hồ, vùng biển, bão lũ thiên tai thường xuyên xảy ra, nơi các em đi học phải qua sông, qua xuồng là cực kỳ cần thiết.
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam có bờ biển dài, hệ thống sông ngòi dày đặc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước với trẻ em nên chúng ta phải biến những điều này thành ưu thế để dạy trẻ biết bơi và ứng phó khi gặp tai nạn đuối nước.
Nên dạy trẻ kỹ năng an toàn dưới nước
Việc phổ cập dạy bơi, dạy các kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em là một trong những giải pháp cơ bản để giảm thiểu tai nạn đuối nước cho các em. Tuy nhiên, trên thực tế xuất phát từ chính đặc điểm tâm lý của của trẻ em thường hiếu động, ham vui, nhiều trẻ em tự ý rủ nhau đi tắm sông, suối ao hồ trong khi các em lại không biết bơi, không có kỹ năng ứng phó khi gặp đuối nước, một phần cũng vì chưa có sự quan sát của gia đình, nhà trường, xã hội.
Chính vì vậy, cần nâng cao nhận thức về phòng chống tai nạn sông nước cho trẻ em thông qua truyền thông giáo dục kết hợp các hoạt động văn hóa vui chơi, giải trí thể dục thể thao, du lịch, tham quan an toàn lành mạnh cho trẻ em trong dịp hè, xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức trong gia đình về kiến thức và phương pháp xử lý khi gặp đuối nước, bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển.
Luật trẻ em được Quốc hội thông qua vào tháng 4 năm nay đã đánh dấu một bước quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là quy định rõ trách nhiệm của nhà nước, gia đình, xã hội trong việc đảm bảo các quyền của trẻ em và bổn phận của trẻ em. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều vụ tai nạn thương tâm khiến trẻ em có thể bị chết, bị thương, tàn tật do tai nạn giao thông, trẻ em bị đuối nước... Điều đó đặt ra trách nhiệm rất lớn cho những người làm công tác trẻ em.
Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 với chủ đề "Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em" nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm của gia đình, xã hội, của các cấp ủy, chính quyền, các ngành về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 sẽ được tổ chức vào ngày 28/5 tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Các địa phương cũng tổ chức lễ phát động trong thời gian từ nay đến 1/6.