Nâng cao hiệu quả quản lý của ngành Nông nghiệp để hỗ trợ nông dân, DN phát triển

Ngọc Mai| 05/01/2016 16:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà ngành NN&PTNT cần tập trung thực hiện trong thời gian tới tại Hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016, kế hoạch 5 năm 2016-2020 của ngành diễn ra sáng nay (5/12).

Nâng cao hiệu quả quản lý của ngành Nông nghiệp để hỗ trợ nông dân, DN phát triển

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Theo báo cáo và các tham luận tại hội nghị: Mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu và thị trường tiêu thụ, nhưng trong năm qua toàn ngành nông nghiệp đã triển khai tái cơ cấu kịp thời, đúng hướng nên đã duy trì tăng trưởng với chất lượng ngày càng tích cực. Riêng tăng GDP của toàn ngành 5 năm qua đạt 3,13%, vượt mục tiêu đề ra. Thu nhập của người dân nông thôn năm 2015 cũng tăng khoảng 2 lần so với năm 2010. Đáng chú ý trong năm qua, cây ăn quả phát triển nhanh cả về sản lượng và chủng loại và đang trở thành hướng chuyển đổi hiệu quả trong tái cơ cấu ngành trồng trọt…

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được đẩy mạnh, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nhiều vùng nông thôn, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống dân cư nông thôn. Đến hết năm 2015, cả nước có 1.478 xã đạt chuẩn NTM (đạt 16,5% số xã trên cả nước), tăng 693 xã so với năm 2014; bình quân mỗi xã đạt 12,9 tiêu chí (tăng 2,9 tiêu chí so với năm 2014); có 15 huyện được công nhân đạt chuẩn NTM. Cả giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư cho xây dựng NTM đạt khoảng 851.854 tỉ đồng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhìn nhận “Tổng thể cả giai đoạn 2011-2015, trong bối cảnh chung có nhiều khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp đã đạt được mục tiêu duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống dân cư nông thôn, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững”.

Hội nghị cũng phân tích những hạn chế, yếu kém của ngành nông nghiệp liên quan đến khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất của một số ngành hàng và sản phẩm, kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều; tổ chức đổi mới sản xuất còn chậm; công tác quản lý chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập…

Nâng cao hiệu quả quản lý của ngành Nông nghiệp để hỗ trợ nông dân, DN phát triển

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng đã biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả khá toàn diện mà ngành NN&PTNT đã đạt được trong năm 2015 và giai đoạn 2011-2015, ngoài những khó khăn chung của nền kinh tế, ngành nông nghiệp còn phải chịu tác động tiêu cực do thời tiết cực đoan và khó khăn trong xuất khẩu nông sản do giá nông sản xuống ở mức thấp, bị cạnh tranh khốc liệt. Song nhờ sự nỗ lực phấn đấu, ngành vẫn duy trì được tăng trưởng và đạt được kết quả khá toàn diện, góp phần quan trọng thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra. Trong khó khăn của nền kinh tế, ngành nông nghiệp luôn là bệ đỡ cho sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng mong muốn ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả đạt được, những kinh nghiệm tốt, cách làm hay, sáng tạo, đồng thời ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, cải thiện đời sống người dân.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Bộ và ngành NN&PTNT cần tập trung triển khai thực hiện trong năm 2016 cũng như trong những năm tới.

Thứ nhất, phải đặc biệt quan tâm đến cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, luật pháp để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước để phát triển mạnh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn, cải thiện đời sống người nông dân. Từng lĩnh vực đều phải rà soát lại để thấy phải có cơ chế, chính sách gì để người nông dân, doanh nghiệp phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn và với tinh thần không chỉ tạo thuận lợi tốt nhất mà còn hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp phát triển.

Cùng với đó là phải rà soát, cập nhật lại chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, các đề án tái cơ cấu phù hợp với cơ chế thị trường, năng động hội nhập, đồng thời tập trung triển khai thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến hoạt động thuộc ngành.

Thứ hai, tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập của người nông dân. Trong tái cơ cấu, cần đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi đưa khoa học-công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bởi khoa học-công nghệ là yếu tố quyết định, rất cụ thể mà ở đây chính là giống, là quy trình sản xuất, canh tác, là chế biến, bảo quản sản phẩm...

Cùng với đó, đất nước ta đã bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế, chúng ta đã mở cửa thị trường, có được những cơ hội từ hội nhập mang lại do thị trường xuất khẩu được mở rộng, vì vậy một mặt phải nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp bằng đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, nhưng mặt khác cũng cần phải thực hiện tốt công tác bảo vệ thị trường trong nước, bảo vệ người sản xuất bằng những biện pháp phù hợp với thông lệ cũng như các cam kết quốc tế.

Rà soát, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất đa dạng để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có chất lượng, hiệu quả cao trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh.

Hết sức quan tâm tập trung cho tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành, trong đó có tái cơ cấu các nông lâm trường quốc doanh theo hướng hiệu quả hơn, chất lượng cao hơn, tốt hơn. Trong tái cơ cấu nông lâm trường phải lên phương án, đề án cụ thể để tổ chức lại từng nông lâm trường một, không thể kêu gọi chung chung.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt tập trung vào tái cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân. Sử dụng có hiệu quả nguồn lực Nhà nước và huy động có hiệu quả nguồn lực từ ngoài xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống của người dân nông thôn.

Thứ tư, tập trung chỉ đạo, quản lý tốt vật tư nông nghiệp, gắn với đó là công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; phải thực sự tạo chuyển biến rõ nét đối với công tác này trong năm 2016.

Thứ năm, Thủ tướng lưu ý, nước ta là một quốc gia nằm trong số ít quốc gia trên thế giới mà theo nhiều dự báo sẽ chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và trên thực tế thời tiết, khí hậu ở nước ta ngày càng cực đoan; cường độ, tần suất bão lũ, nắng hạn không ngừng tăng lên. Vì vậy năm 2016, ngành nông nghiệp phải đặc biệt quan tâm đến việc chủ động xây dựng kế hoạch phòng tránh thiên tai; hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, thời tiết; triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; củng cố và phát triển hệ thống thủy lợi; bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Một số chỉ tiêu cụ thể của ngành Nông nghiệp cho kế hoạch năm 2016 và 5 năm 2016-2020 là: Tốc độ tăng GDP nông, lâm, thủy sản cho chỉ tiêu kế hoạch 2016 là 3% và kế hoạch 2016-2020 từ 2,5-3%; tỉ lệ hộ nghèo nông thôn cho chỉ tiêu kế hoạch 2016 là 7,5% và kế hoạch 2016-2020 giảm bình quân 2%/năm; tỉ lệ xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới cho chỉ tiêu kế hoạch 2016 là từ 23-25% và kế hoạch 2016-2020 là 50%…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả quản lý của ngành Nông nghiệp để hỗ trợ nông dân, DN phát triển