Ngày 8/1, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp 2016 và định hướng nhiệm kỳ 2016-2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại hội nghị
Phát hiện 1.181 văn bản có dấu hiệu trái luật
Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã chủ trì xây dựng để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền trên 1.000 VBQPPL, trong đó trình QH thông qua 27 dự án luật; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã ban hành trên 3.200 VBQPPL. Riêng Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng, giúp Chính phủ trình QH thông qua 3 bộ luật, luật lớn, quan trọng Bộ luật dân sự (sửa đổi) (BLDS), Bộ luật hình sự (sửa đổi) (BLHS), Luật ban hành VBQPPL và cho ý kiến đối với 2 luật khác. Trong đó, lần đầu tiên trong vòng một năm đã tổ chức 2 đợt lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo BLDS (sửa đổi), BLHS (sửa đổi); hoàn thành 09/09 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đạt tỷ lệ 100%.
Công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có chuyển biến tích cực với nhiều giải pháp cụ thể, tình trạng nợ đọng nghị định của Chính phủ từng bước được khắc phục, chỉ còn nợ 4 nghị định, thấp nhất từ trước đến nay. Công tác thẩm định văn bản QPPL ngày càng được quan tâm, chú trọng về chất lượng thông qua những giải pháp đột phá, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trong quá trình soạn thảo, góp ý, thẩm định VBQPPL, kết hợp thẩm định VBQPPL với kiểm soát thủ tục hành chính.
Năm 2015, toàn Ngành đã thẩm định 9.529 văn bản (tăng 230 văn bản so với năm 2014). Công tác kiểm tra VBQPPL được các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện thường xuyên hơn, đã kiểm tra theo thẩm quyền gần trên 42.300 văn bản, bước đầu phát hiện 1.181 văn bản có dấu hiệu trái luật.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác tư pháp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; một số định hướng của nhiệm kỳ 2011-2015 chưa đạt được kết quả như mong muốn; thậm chí, có những hạn chế trong nhiều năm liền, kể cả từ nhiệm kỳ trước nhưng chưa khắc phục hiệu quả, cụ thể là: Chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật chưa cao, một số VBQPPL chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu ổn định, tình trạng chậm ban hành VBQPPL, nhất là văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn phổ biến; hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn thấp, pháp luật chậm đi vào cuộc sống; thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà, việc công bố, công khai TTHC vẫn còn chậm, việc thực thi TTHC chưa nghiêm, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp; tình trạng vi phạm trong công tác THADS còn nhiều; việc triển khai một số nhiệm vụ mới của Ngành (quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật) còn lúng túng, nhất là ở các địa phương; công tác hành chính tư pháp còn chậm được đổi mới; công tác nghiên cứu khoa học pháp lý chưa thực sự đi vào chiều sâu.
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm năm 2016
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận định hướng công tác tư pháp nhiệm kỳ 2016 – 2020 với những vấn đề trọng tâm như: Tập trung phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó tập trung xây dựng các dự án Luật để tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân như Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi), Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật chứng thực và Luật lý lịch tư pháp (sửa đổi); phối hợp chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật tiếp cận thông tin, Luật đấu giá tài sản, Luật ban hành quyết định hành chính...
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định sẽ đổi mới và nâng cao chất lượng công tác góp ý, thẩm định VBQPPL, gắn kết với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra VBQPPL và theo dõi thi hành pháp luật. Triển khai thi hành kịp thời, có hiệu quả các luật có hiệu lực trong năm 2016 như BLDS 2015, BLHS 2015, Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Luật tố tụng hành chính 2015; Nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, hành chính, bảo đảm sự phát triển bền vững, phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu được giao trong Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, trong đó tập trung giảm lượng án tồn đọng xuống dưới 200.000 vụ việc…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao những kết quả mà ngành tư pháp đã đạt được trong năm qua, đồng thời nhấn mạnh đến những nhiệm vụ trọng tâm công tác trong năm 2016 và trong thời gian tới. Theo đó, trên cơ sở Kế hoạch của UBTVQH về triển khai thi hành Hiến pháp, Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình lập pháp của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến, nhất là các dự án luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân như Luật về hội, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật báo chí (sửa đổi), Luật tiếp cận thông tin,... Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật gắn với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, góp phần bảo đảm tính khả thi, hợp lý, khắc phục tình trạng chính sách, pháp luật được ban hành nhưng khó đi vào cuộc sống, phải tạm dừng hoặc sửa đổi sau một thời gian ngắn có hiệu lực.
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt BLDS 2015, BLHS 2015 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật này, bảo đảm đồng bộ với việc triển khai thi hành các luật, bộ luật về tố tụng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua trong năm 2015. Đồng thời, tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các công cụ phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, góp phần cụ thể hóa một bước chuyển hướng chiến lược sang giai đoạn hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật.
Đối với công tác THADS, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, mặc dù những hạn chế, yếu kém trong công tác này đã được dần được khắc phục, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận là công tác này vẫn còn một số tồn tại, bất cập, nhất là vấn đề giải quyết tình trạng án tồn đọng. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2016, đề nghị ngành tư pháp nghiêm túc tiếp thu và triển khai thực hiện.