Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Ngô Quý Châu cho biết: Hiện nay các nạn nhân trong sự cố sập hầm thủy điện có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ có thể xảy ra: khí độc trong hầm, đặc biệt trong điều kiện lạnh, ẩm có thể dẫn đến nhiễm trùng phổi .
Riêng về dinh dưỡng thì 50 túi dung dịch dinh dưỡng như hiện nay sẽ thiếu nên cần tiếp tục hỗ trợ. Thông tin mới nhất cho biết các nạn nhân vẫn tiếp tục được cung cấp dinh dưỡng và tỉnh táo, minh mẫn. Hiện nay, các bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy cùng ngành y tế tỉnh Lâm Đồng sẵn sàng cấp cứu nạn nhân với 10 máy thở đã được huy động trong trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng phổi. Ngành y tế sẽ cấp cứu nạn nhân tại chỗ với đầy đủ dụng cụ và thuốc men.
Các nạn nhân được đưa ra trong niềm vui vỡ òa của mọi người.. ẢNh: VNE
Đại diện Tổ chức Y tế (WHO) nhấn mạnh: Trong tình huống này, điều quan trọng nhất là phải có biện pháp bù nước đầy đủ, thông khí và giữa ấm cho nạn nhân. Khi nạn nhân được cứu ra, ngành y tế cần phải có qui trình phân loại và sơ cứu ban đầu hiệu quả. Các chuyên gia y tế cũng cần đánh giá về nguy cơ các bệnh truyền nhiễm và sức khỏe tâm thần để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Đại diện Viện y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) cho biết: Ngay chiều 19/12, Viện sẽ gửi 12 áo giữ nhiệt để chuyển vào cho các nạn nhân vụ sập hầm giúp giữa ấm cơ thể; đồng thời đề nghị sử dụng vôi bột để khử trùng môi trường.
Theo báo cáo của Sở Y tế Lâm Đồng, tỉnh đã điều động 11 xe, 30 nhân viên tham gia cấp cứu, vận chuyển nạn nhân, túc trực 24/24 giờ tại hiện trường từ tối 16/12 đến nay; dựng 2 lều bạt (25m vuông/lều), 12 cáng cứu thương kèm phương tiện cấp cứu, thuốc men để sơ cấp cứu tại hiện trường xảy ra sự cố; cung cấp ôxy để đội cứu hộ bơm duy trì dưỡng khí vào khoang hầm nơi 12 nạn nhân gặp nạn. Tối 17/12, đoàn cán bộ, chuyên gia của bệnh viện Cợ Rẫy (gồm 1 Phó Giám đốc, 1 Phó khoa và 1 bác sỹ Khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện) đã tới Lâm Đồng để tổ chức chỉ đạo, tư vấn về chuyên môn cấp cứu nạn nhân bị sập hầm. Đến 23 giờ ngày 18/12, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuyển tới hiện trường 50 túi dung dịch dinh dưỡng năng lượng cao (Nutrison Energy 1 lít/túi) để hỗ trợ, tiếp cứu bơm vào cho nạn nhân sử dụng thay sữa. Đội cấp cứu y tế tại hiện trường đã có phương án phân công, phối hợp với lực lượng công an, quân đội để cáng, đưa nạn nhân ra ngoài đường hầm; phân loại, sơ cấp cứu tại chỗ, vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế để tiếp tục hồi sức sau khi lực lượng công binh mở được đường hầm vào nơi có nạn nhân. Tỉnh đã chuẩn bị chăn bông, quạt sửa ấm để chống hạ nhiệt cho nạn nhân sau khi được giải cứu, thuốc bổ để cung cấp cho nạn nhân khi có điều kiện (khoan được lỗ thông khí to hơn)...
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Các nạn nhân đã được cung cấp oxy và dinh dưỡng, đồng thời nước đã được rút ra và bơm hơi nóng nào giữ ấm cho các công nhân. Viện Dinh dưỡng đã cung cấp loại dinh dưỡng đặc biệt cho Lâm Đồng để duy trì dinh dưỡng cho các nạn nhân. Đến nay, ngành y tế đã huy động mọi lực lượng với các trang thiết bị hiện đại để phục vụ hoạt động cấp cứu nạn nhân hiệu quả. Cục Khám chữa bệnh tiếp tục bám sát tình hình, trực thường xuyên để có hỗ trợ kịp thời; Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức sẵn sàng hỗ trợ các y bác sỹ giỏi cùng phương tiện máy móc hiện đại. Thứ trưởng đề nghị bổ sung tất cả các thiết bị chuyên môn còn thiếu; trong đó cung cấp thêm 2 máy thở (để đủ 12 máy cho 12 nạn nhân) để sẵn sàng cấp cứu tại chỗ cho các nạn nhân khi được đưa ra khỏi hầm bị sập...