Nan giải bài toán giảm thiểu tai nạn giao thông

Giang Đặng| 13/12/2018 08:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Việt Nam, mỗi năm cũng có hàng chục nghìn người chết hoặc thương tật suốt đời do tai nạn giao thông (TNGT). Bên cạnh những con số thương vong nói trên, trung bình mỗi năm TNGT làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Có thể nói, TNGT hiện nay thực sự là hiểm họa nhức nhối, đang hàng ngày đe dọa cuộc sống bình yên, tàn phá những thành quả phát triển kinh tế - xã hội mà con người đạt được. Đằng sau mỗi vụ TNGT tạo ra sự khủng hoảng sâu sắc cả về vật chất lẫn tinh thần cho các gia đình và cả cộng đồng.

9 tháng, 6.000 người chết

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn quốc xảy ra 13.242 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 6.012 người, bị thương 10.319 người. So với 9 tháng đầu năm 2017, TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Chỉ tính riêng trong tháng 9/2018, toàn quốc xảy ra 1.460 vụ tai nạn giao thông, làm chết 646 người và làm bị thương 1.119 người. So với tháng cùng kỳ năm 2017 giảm 117 vụ, giảm 159 người bị thương nhưng tăng 26 người chết.

Còn đối với TNGT đường sắt trong 9 tháng đầu năm 2018 cũng có giảm so với năm 2017, song vẫn lên đến 205 vụ (giảm 45 vụ). Trong đó nguyên nhân khách quan 198 vụ, do chủ quan hoặc có yếu tố chủ quan 7 vụ; làm chết 99 người, bị thương 147 người. Tai nạn xảy ra chủ yếu tại các lối đi tự mở qua đường sắt, đường ngang biển báo chiếm 68%, còn lại là dọc trên đường sắt.

Có thể thấy, tuy tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương) song tính chất của tình hình tai nạn giao thông tại nhiều địa phương còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp. Các vụ tai nạn giao thông xảy ra không chỉ gây thiệt hại về người, phương tiện mà còn là một trong những nguyên nhân làm gia tăng áp lực đối với các cơ sở y tế; ảnh hưởng đến nhân lực lao động cũng như tâm lý xã hội.

Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, đa phần các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đều liên quan đến xe ôtô kinh doanh vận tải mà nhất là xe khách, một phần liên quan đến xe máy; các hành vi trước khi xảy ra tai nạn cơ bản là chạy quá tốc độ quy định, tránh vượt xe sai quy định, kỹ năng điều khiển phương tiện còn hạn chế. Phương tiện gây tai nạn chủ yếu vẫn là xe môtô, xe máy chiếm 65%, còn ôtô chiếm 30%. Và điều đáng lo ngại là số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến các loại phương tiện này có chiều hướng gia tăng, khiến cho dư luận, đặc biệt là những người phải thường xuyên phải di chuyển bằng xe khách.

Một trong những vụ tai nạn nghiêm trọng nhất trong 9 tháng đầu năm 2018 là vụ xe bồn đâm xe khách ngày 15/9/2018, tại Km 57+561 trên tuyến QL4D qua thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, làm 13 người chết. Nguyên nhân của vụ tai nạn thảm khốc này là do xe bồn chạy quá tốc độ quy định (thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục đường bộ thông báo tốc độ xe bồn lúc 9g10 là 109km/h) đã đâm vào xe khách di chuyển phía trước, khiến hai xe lao xuống suối sâu có nhiều đá tảng.

Mất lái lao xuống vực, đây cũng là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn trên đèo Lò Xo (nằm trên trục Quốc lộ 14, thuộc địa phận làng Măng Khen, xã Đắk Man, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) làm 3 người chết, 23 người bị thương. Cụ thể, vào ngày 16/6/2018, tại km 1421+700 đèo Lò Xo, chiếc xe ô tô khách biển kiểm soát 34B-00269 của nhà xe Đức Chính do lái xe Vũ Văn Hồng (42 tuổi), quê huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương điều khiển đang lưu thông hướng Hải Dương - Bình Phước đến địa điểm trên bất ngờ mất lái lao xuống vực sâu gần 30m.

Nan giải bài toán giảm thiểu tai nạn giao thông

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng

Và điều đáng nói đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ tai nạn xảy ra trên con đèo được mệnh danh là “con đèo tử thần” nối tỉnh Quảng Nam với Kon Tum này. Chỉ tính trong vòng 3 năm trở lại đây, riêng cung đường qua đèo Lò Xo đã xảy ra đến 5 vụ tai nạn, làm hàng chục người chết và bị thương.

Điển hình như vụ xe khách biển số 51B-12312, do mất phanh đã lao vào ta luy âm, leo lên ụ đất và đổ nghiêng xuống tại đèo Lò Xo nơi giáp ranh giữa huyện Đăkglei và huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Vụ tai nạn làm 2 người chết, 14 người bị thương vào ngày 17/4/2015; Vụ xe khách 48B-000.16, chở 42 người bị rơi xuống vực làm 1 người chết, hơn 40 người bị thương vào ngày 23/6/2015; Vụ xe khách 45 chỗ  biển số 90B - 005.32 lưu thông theo hướng từ tỉnh Hà Nam đi Gia Lai đã lao xuống vực tại km 1419+500 trên đèo Lò Xo làm 1 người chết, 19 hành khách thương vào ngày 1/3/2018...

Chính vì nguy hiểm như thế nên cảnh sát giao thông ở đây đã dựng các biển báo cũng như khuyến cáo các lái xe, trước lúc xuống đèo nên dừng lại kiểm tra hệ thống phanh (thắng); đồng thời, chấp hành nghiêm chỉnh về tốc độ lúc lên, xuống đèo và quy trình xuống số lúc lên đèo cũng như lúc xuống đèo.

Bảo đảm tính mạng con người là trên hết

Bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) từ lâu đã trở thành vấn đề xã hội mang tính chất toàn cầu. Hậu quả mà TNGT gây ra là vô cùng to lớn, không chỉ gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản mà còn đem lại những tổn thất nặng nề về kinh tế, xã hội. Vấn đề giảm thiểu TNGT, thiết lập và giữ ổn định TTATGT là bài toán nan giải đặt ra cho hầu hết các quốc gia, đòi hỏi các chính phủ phải cùng chung tay, thiết thực hành động vì mục tiêu chung bảo đảm tính mạng con người là trên hết.

Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu đi lại và vận chuyển của người dân ngày càng gia tăng, bên cạnh đó là sự bùng nổ của phương tiện giao thông cơ giới thì việc duy trì mức độ kéo giảm TNGT là thách thức không nhỏ. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì muốn giảm thiểu TNGT, cần tập trung vào vấn đề trọng điểm như nghiêm chỉnh thực thi các chính sách pháp luật trên lĩnh vực đảm bảo ATGT; Tiếp tục hoàn thiện, rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp; kịp thời ban hành bổ sung những quy định mới cho phù hợp với những diễn biến của tình hình ATGT; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để nâng cao năng lực điều hành, quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ. Đặc biệt phải chú trọng hơn nữa tới vai trò của cấp cứu sau TNGT, nâng cao năng lực của hệ thống y tế để giảm thiểu đến mức thấp nhất tổn thương về tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân các vụ tai nạn.

Nan giải bài toán giảm thiểu tai nạn giao thông

Chỉ trong vòng 3 năm, đèo Lò Xo xảy ra 5 vụ tai nạn thương tâm 

Bên cạnh đó là tăng cường đầu tư cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm chất lượng khai thác của các công trình, đẩy mạnh xây dựng mạng lưới giao thông tĩnh cho phù hợp với tình hình phát triển hiện tại. Bên cạnh đó cần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống vận tải công cộng, hạn chế các phương tiện cá nhân, nghiên cứu và đưa vào sử dụng các loại công cụ, thiết bị thông minh hỗ trợ người tham gia giao thông như hệ thống xe tự lái, hệ thống phanh khẩn cấp thông minh, hệ thống tự động kiểm soát nồng độ cồn... để nâng cao an toàn, giảm thiểu rủi ro đáng tiếc cho người tham gia giao thông.

Thực tế thời gian qua cho thấy, để giảm thiểu tai nạn giao thông, vấn đề cơ bản nhất đặt ra vẫn là cần phải nâng cao ý thức của người tham gia giao thông để họ tự thấy được trách nhiệm của mình trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần bảo vệ cho chính mình và cho cả những người khác. Thế nên các cấp, các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông: thông qua các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về tình hình trật tự an toàn giao thông; cần đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông như triển lãm panô ảnh, phát tờ rơi tuyên truyền…

Nan giải bài toán giảm thiểu tai nạn giao thông

Những cung đường đèo dốc luôn ẩn chứa nguy cơ tai nạn giao thông

Đồng thời, các cơ quan chuyên môn cũng cần thường xuyên khảo sát, phát hiện những bất cập mới phát sinh trong công tác tổ chức giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời, bổ sung hệ thống cọc tiêu, biển báo nguy hiểm, hạn chế tốc độ nhất là các tuyến, nút trọng điểm có nguy cơ ùn tắc, các “điểm đen” về TNGT; xây dựng lộ trình giảm phương tiện giao thông cá nhân song song với việc mở mang đường xá vì hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng tốt các nhu cầu. Bên cạnh đó khi xảy ra ùn tắc giao thông, thông qua các phương tiện đại chúng cơ quan nhà nước có trách nhiệm nhanh chóng thông báo cho các lái xe ô tô biết nơi nào ùn tắc để đi đường khác, báo lực lượng chức năng đến giải quyết.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, những tháng cuối năm thường là thời điểm có nhiều diễn biến phức tạp liên quan đến tình trạng tai nạn giao thông. Do đó, các cơ quan chức năng và các địa phương cần tiếp tục tăng cường thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng số vụ tai nạn giao thông. Cụ thể, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tiếp tục giảm tai nạn, ùn tắc giao thông trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, các Bộ, ngành, đoàn thể và Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung quản lý chất lượng và an toàn giao thông đối với các phương tiện vận tải hành khách; giảm thiểu tình trạng ùn tắc, chậm, huỷ chuyến; kiểm soát và xử lý nghiêm tăng giá vé trái quy định, chở quá số người quy định... Các đơn vị và địa phương tổ chức, điều tiết giao thông hợp lý, kịp thời giải quyết các sự cố, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, đặc biệt là tuyến cửa ngõ ra vào các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nan giải bài toán giảm thiểu tai nạn giao thông