Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc hôm qua đưa ra một thông báo về nạn đói đang gia tăng ở vùng Cận Đông và Bắc Phi với hơn 52 triệu người thiếu dinh dưỡng, hầu hết trong số đó nằm ở các khu vực xung đột.
Cuộc chiến ở Yemen (người biểu tình trong tháng 9 năm 2018) đã khơi mào cho những gì Liên hợp quốc mô tả là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với 24,1 triệu người cần viện trợ
"Xung đột và khủng hoảng kéo dài lan rộng và trở nên tồi tệ kể từ năm 2011, đe dọa những nỗ lực xóa đói tại khu vực", Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc cho biết.
"Năm mươi hai triệu người trong khu vực đang bị suy dinh dưỡng mãn tính" với hai phần ba trong số họ ở các khu vực xung đột, FAO cho biết trong một tuyên bố.
Những khu vực này bao gồm Iraq, Libya, Sudan, Syria và Yemen, nơi những cuộc chiến kéo dài bốn năm chưa có hồi kết đã giết chết hàng chục ngàn người, bao gồm nhiều thường dân.
Cuộc chiến ở Yemen đã khơi dậy những gì Liên hợp quốc mô tả là một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với 3,3 triệu người vẫn đang phải di cư tìm nơi an toàn và 24,1 triệu người cần viện trợ lương thực, thuốc men.
Xung đột ở Cận Đông và Bắc Phi cũng có "tác động lâu dài đến an ninh lương thực và dinh dưỡng" của các nước xung quanh, Abdessalam Ould Ahmed, đại diện khu vực có trụ sở tại Cairo của FAO cho biết.
"Tác động của xung đột đã làm gián đoạn sản xuất lương thực và chăn nuôi ở một số quốc gia và do đó ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm liên tục trong khu vực," ông nói.
Ngoài các xung đột, FAO cho biết nạn đói gia tăng cũng trở nên tồi tệ hơn trong khu vực bởi sự gia tăng dân số nhanh chóng, tài nguyên thiên nhiên ngày càng trở nên khan hiếm và mối đe dọa ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, FAO kêu gọi chuyển đổi bền vững nền nông nghiệp.
FAO kêu gọi các nước cải thiện việc tiếp cận thị trường cho nông dân, thúc đẩy đầu tư và đổi mới trong nông nghiệp và quản lý tài nguyên nước.