Trong không khí tràn ngập sắc xuân, những câu chuyện nghề của diễn viên xiếc khỉ Trương Trọng Cường hy vọng sẽ mang đến những điều thú vị cho bạn đọc cả nước trong những ngày Tết đến xuân về.
Lấy nụ cười của khán giả làm niềm vui
Có lẽ, nghề nào cũng ẩn chứa những niềm vui nỗi buồn, thế nhưng khi trò chuyện với diễn viên Trương Trọng Cường (sinh năm 1982) – người đã gắn bó với xiếc khỉ hơn 10 năm thì thấy anh ít than thở về những khó khăn, vất vả trong nghề. Thay vào đó, anh nói nhiều về những tiết mục biểu diễn và những tràng pháo tay của khán giả sau mỗi tiết mục kết thúc. Với anh, nụ cười của khán giả là niềm vui, hạnh phúc, là động lực giúp anh vượt qua những khó khăn, vất vả sau ánh đèn sân khấu.
Miệt mài tập luyện cùng với các chú khỉ
Hơn 10 năm trong nghề, anh Cường đã trải bao thăng trầm của nghề xiếc, nhưng dù nghề xiếc có thịnh hay suy thì tình yêu nghề trong anh không bao giờ thay đổi. Anh Cường bảo, để cống hiến cho khán giả những màn biểu diễn đẹp mắt, người diễn viên xiếc khỉ phải mất từ 8 tháng đến 1 năm dàn dựng, từ 5 đến 6 tháng tập luyện cho khỉ nhớ, làm thành thục một động tác và dành trọn một đời nghệ sĩ để duy trì, phát triển tiết mục ấy. Trong tiết mục biểu diễn xiếc khỉ của mình, anh Cường chú trọng đến các động tác mang đậm tính dân tộc như: xay lúa giã gạo, đi cà kheo, đu vòng treo, phi ngựa ngỗ, đi xe đạp, bập bênh…tổng cộng có khoảng 13 động tác được gộp lại trong một tiết mục biểu diễn với thời lượng từ 13 đến 15 phút.
Tuy nhiên, do đất diễn ngày càng bị thu hẹp nên tiết mục xiếc khỉ của anh thường bị cắt đi chỉ còn 8 phút. Điều này buộc người nghệ sĩ phải vận dụng hết khả năng sáng tạo của mình để đáp ứng được yêu cầu về thời gian mà vẫn đảm bảo sự hấp dẫn, tròn trịa của tiết mục. Việc phải tự tay cắt gọt đi những động tác trong một tiết mục do chính tay mình dàn dựng chẳng khác nào cắt đi một phần tâm huyết của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, để được tiếp tục đứng trên sân khấu biểu diễn, cống hiến và sống trọn với đam mê thì dù khó đến mấy người nghệ sĩ cũng có thể khắc phục. Thực tế là trong suốt thời gian qua, anh Cường cũng như các diễn viên khác trong Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã làm được điều đó.
Khi tôi hỏi, sao anh không chọn một con thú khác để biểu diễn mà lại là khỉ, thì được anh Cường cho biết, tình yêu xiếc khỉ đến với anh từ những ngày theo bố là NSƯT Trương Trọng Giang đến phòng tập dành cho xiếc thú ở Liên đoàn. Những màn biểu diễn điêu luyện của những chú khỉ nhỏ do chính tay bố anh huấn luyện khiến anh thích mê. Suy nghĩ lớn lên sẽ làm một người nghệ sĩ, một diễn viên xiếc khỉ tài ba như bố xuất hiện trong anh từ đó và tiếp tục được định hình trong những ngày anh theo học ở Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, anh Cường xác định sẽ gắn bó trọn đời với xiếc khỉ.
NSƯT Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng với người nghệ sĩ thì đam mê là quan trọng hơn cả
Bằng lòng với những tréo ngoe
Là con của một người nghệ sĩ xiếc gạo cội, hơn ai hết anh Cường hiểu được những tréo ngoe trong nghề, nhưng anh chấp nhận tất cả để được thỏa mong ước từ ngày còn nhỏ. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, anh Cường có khoảng 3 đến 4 năm biểu diễn xiếc người. Khi NSƯT Trương Trọng Giang nghỉ hưu thì anh quyết định chuyển sang xiếc thú để nối nghiệp cha.
Khi quyết định chuyển sang biểu diễn xiếc khỉ anh Cường đã được bố mình truyền lại kinh nghiệm 40 năm huấn luyện và biểu diễn xiếc thú. Anh Cường kể rằng, bố anh đã nói cho anh biết và hiểu cặn kẽ về những vất vả, khó khăn, bất trắc của một người diễn viên xiếc thú. Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cả khi tập luyện cũng như khi đứng trên sân khấu biểu diễn. Ví như với khỉ thì có thể bị cào, chó cắn, gấu tát, ngựa đá, voi quật…nhẹ thì bị xây xước nặng thì què chân, gãy tay. Nhưng, với suy nghĩ nghề nào cũng có những bất trắc riêng của nó và khi đã coi xiếc là một nghề thì anh chấp nhận tất cả.
Anh Cường chọn khỉ là bạn diễn với mình trên mọi sân khấu
Khi nhà nhà quây quần bên nhau, nghỉ ngơi sau một ngày lao động và học tập thì khi đó anh Cường mới khoác lên mình bộ trang phục biểu diễn, bước lên sâu khấu mang niềm vui đến cho khán giả, đến khi cả thành phố chìm trong giấc ngủ anh mới trở về bên gia đình của mình. Chuyện anh Cường về nhà khi đồng hồ điểm 2, 3 giờ sáng giống như cơm bữa. Khoảng vài năm về trước, khi những quy định về nhập cảnh cũng như vận chuyển động vật tươi sống chưa khắt khe, anh Cường thường xuyên có những chuyến lưu diễn nước ngoài kéo dài hằng năm trời. Chính vì thế, những bữa cơm đông đủ các thành viên trong gia đình là điều xa xỉ, có chăng chỉ là trong những ngày tết xuân về. Anh Cường tâm sự: “Ngoài tình yêu nghề thì nhờ có một hậu phương vững chắc tôi mới có thể yên tâm cống hiến cho nghệ thuật”.
Nói về những diễn viên xiếc của mình, NSƯT Tạ Duy Ánh – Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, nghề xiếc là một nghề vô cùng vất vả. Để được đứng trên sân khấu, các diễn viên phải đổ mồ hôi, nước mắt thậm chí là máu và cả tính mạng. Đặc biệt, trong tình hình kinh tế hết sức khó khăn như hiện nay, đã có không ít nghệ sĩ, diễn viên xiếc chấp nhận giải nghệ để lo cơm, áo, gạo, tiền. Tuy nhiên, theo NSƯT Tạ Duy Ánh, khi đã là một người nghệ sĩ thì niềm đam mê vẫn được đặt lên hàng đầu và chính đam mê ấy sẽ giúp họ vượt qua tất cả những khó khăn, vất vả.
Sau những chia sẻ của NSƯT Tạ Duy Ánh, tôi quay về phòng tập dành cho đoàn xiếc thú của Liên đoàn. Trong tiết trời lạnh giá với những hạt mưa phùn lất phất bay, anh Cường cùng với những chú khỉ vẫn miệt mài tập luyện các động tác trong một tiết mục để chuẩn bị cho một năm mới với hy vọng về sự no đủ và thành công.