Bước sang thềm năm mới Giáp Ngọ - 2014, “năm tuổi” của những người sinh năm ngựa, trong đó có những nhân vật đặc biệt là Chủ tịch của những nhà băng lớn. Họ là ai và có thành tựu gì nổi bật?
Vị Chủ tịch trẻ tuổi nhất là ông Trần Hùng Huy, sinh năm 1978, là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với học vị Tiến sỹ kinh tế tại Đại học Golden Gate (Hoa Kỳ). Ông Huy có kinh nghiệm về lĩnh vực ngân hàng đầu tư trong vai trò Trợ lý Giám đốc Nhóm tư vấn sáp nhập tổ chức tài chính của Tập đoàn tài chính Rothschild (Anh Quốc) từ 2010-2011.
Ông gia nhập vào ACB từ năm 2002 với vị trí Chuyên viên nghiên cứu thị trường và làm Giám đốc Marketing từ năm 2004-2008, sau đó lên đến chức danh Phó Tổng giám đốc ngân hàng. Tuy nhiên, ông Huy đã có mặt trong HĐQT của ACB từ năm 2006. Như vậy, tính đến nay, ông đã gắn bó hơn 11 năm cùng ngân hàng.
Là con trai của “banker” Trần Mộng Hùng (Nguyên Chủ tịch HĐQT của ACB và hiện là Thành viên HĐQT) và mẹ là bà Đặng Thu Thủy (Thành viên HĐQT), ông Trần Hùng Huy và các thành viên liên quan đang sở hữu 10.02% vốn điều lệ của ACB tính đến 30/06/2013. Trong đó, cá nhân ông Huy đang nắm hơn 28.77 triệu cp, tương đương tỷ lệ 3.07%.
Mặc dù có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía gia đình nhưng thời điểm ông Trần Hùng Huy đảm nhận vị trí Chủ tịch từ tháng 09/2012 lại vào lúc ngân hàng gặp nhiều sóng gió nhất, ngay sau khi hàng loạt cán bộ cao cấp của ngân hàng bị bắt và khởi tố khiến ACB phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, tai tiếng nhất là vụ án liên quan đến bầu Kiên – ông Nguyễn Đức Kiên – Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB và các thành viên HĐQT cũ của ngân hàng gồm ông Trần Xuân Giá (Nguyên Chủ tịch HĐQT); ông Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang (Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT) và ông Lý Xuân Hải (Nguyên Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc). Tổng số tiền thiệt hại do các bị can gây ra trong vụ án này là hơn 1,695 tỷ đồng. Hiện vụ án vẫn đang tiến hành điều tra bổ sung thêm.
Không chỉ có vậy, trong năm 2012, lĩnh vực kinh doanh ngoại hối và vàng của ACB đã gây ra khoản lỗ khủng gần 1,864 tỷ đồng, kéo lợi nhuận sau thuế của ngân hàng xuống còn 784 tỷ đồng, chỉ bằng 25% so với năm 2011. Bên cạnh đó, ACB phải đầu tư xây dựng công trình ACB Square tại số 29 ter Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, Tp.HCM do vụ kiện tranh chấp tòa nhà Hội sở tại 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, Tp.HCM trong mấy năm qua vẫn chưa có kết quả chính thức.
Ba vị Chủ tịch tuổi ngựa còn lại đều sinh năm 1954, đến từ các nhà băng lớn là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – Vietinbank (HOSE: CTG), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Vietcombank (HOSE: VCB) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN – Eximbank (HOSE: EIB). Điểm chung rất ấn tượng là cá nhân ba vị Chủ tịch này đều không sở hữu cổ phần của ngân hàng hoặc chỉ nắm số lượng rất nhỏ và đều đại diện cho sở hữu của Nhà nước.
Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Vietinbank là Tiến sỹ Kinh tế (1995-1997) Đại học Tài chính Kế toán. Từ năm 1978, ông Hùng là cán bộ Vụ thương nghiệp Vật tư Bộ Tài cính và đảm nhận chức danh cán bộ Vụ Tín dụng Thương nghiệp Ngân hàng Nhà nước từ 1980-1988. Bắt đầu từ năm 1988, ông Hùng gia nhập Vietinbank tại vị trí Phó Văn phòng ngân hàng. Kênh qua nhiều vị trí tại Vietinbank, ông Hùng trở thành Chủ tịch HĐQT từ giữa năm 2002. Đến nay, ông đã có hơn 25 năm gắn bó cùng ngân hàng. Sở hữu của ông Hùng tại Vietinbank chỉ có 6,287 cổ phần trong khi đại diện sở hữu Nhà nước gần 842.2 triệu cp (tỷ lệ 25.79%) tính đến giữa năm 2013.
Tại Eximbank, ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch HĐQT từng học tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ Praha Tiệp Khắc và tốt nghiệp cao cấp chính trị tại Trường Cán bộ Tp.HCM (Học viện Hành chính – Chính trị phía Nam). Từ năm 1986-2003, ông Dũng từng đảm nhận các vị trí Phó Giám đốc Nhà hàng Festival (Trung tâm Du lịch TN VN), Giám đốc Trung tâm Du lịch TN VN, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Du lịch TN VN. Từ tháng 8/2003 đến nay ông Dũng là Chủ tịch HĐTV Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC và đại diện phần vốn góp tại Eximbank với chức danh Chủ tịch HĐQT từ tháng 4/2010. Đến nay, thời gian ông Dũng gắn với Eximbank mới hơn 3 năm. Theo thông tin với báo chí, ông Dũng cho biết sẽ nghỉ hưu tại SJC vào đầu năm nay và tập trung cho công tác tại Eximbank. Bản thân ông Dũng không sở hữu cổ phiếu nào của Eximbank tính đến giữa năm 2013 nhưng lại đại diện cho hơn 25.62 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2.07%) thuộc sở hữu của SJC.
Mặc dù không bị sao quả tạ chiếu như ACB nhưng tình hình hoạt động trong Eximbank cũng không yên ả. Tại ngân hàng này cũng đã có nhiều xáo trộn, hàng loạt giao dịch thỏa thuận lớn âm thầm diễn ra nhưng không rõ đối tác giao dịch là ai. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đã thay một loạt nhân sự cao cấp từ Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, giám đốc đến thành viên HĐQT.
Với ngân hàng còn lại – Vietcombank, Chủ tịch Nguyễn Hòa Bình đại diện sở hữu của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước với hơn 329.34 triệu cp (năm 2010). Tính đến 30/06/2013, cá nhân ông Bình chỉ sở hữu gần 5,700 cp VCB. Ông Bình tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ - Khoa Anh Văn và Cao học Việt Bỉ Quản trị kinh doanh. Từ năm 1980, ông Bình là Cán bộ Phòng Pháp chế Ngân hàng Nhà nước và chuyển sang làm cán bộ Phòng Kinh tế Kế hoạch Vietcombank từ năm 1982. Trải qua nhiều vị trí tại Ngân hàng Ngoại thương, ông Bình chính thức trở thành Chủ tịch từ giữa năm 2004 đến nay. Ông cũng là người có thâm niên gắn bó lâu năm nhất so với các vị Chủ tịch ngân hàng khác với hơn 31 năm kể từ ngày tham gia vào Vietcombank. Ngoài ra, hiện ông Bình còn là Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng kiêm Thành viên HĐQT Hiệp hội Ngân hàng Châu Á (ABA).
Cũng gắn với các ngân hàng ACB và Eximbank nhưng không đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Phạm Trung Cang – Nguyên Thành viên Hội đồng sáng lập ACB, Nguyên Phó chủ tịch HĐQT Eximbank và ông Trịnh Kim Quang – Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB cũng đều sinh năm 1954. Cả hai nhân vật đều đang dính đến vụ án của bầu Kiên. Trong đó ông Phạm Trung Cang đã không còn ở Việt Nam kể từ những ngày cuối năm 2013 do được đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, hiện nay Viện KSND tối cao đã quyết định phục hồi điều tra với ông.
Đan Thanh