Năm học 2022-2023: Bộ GD-ĐT chỉ đạo khắc phục việc thiếu giáo viên, mua sách cho học sinh khó khăn

Minh Khang| 19/08/2022 17:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ thị thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2022-2023 vừa được ban hành, đề cập đến vấn đề giáo viên, triển khai chương trình mới và mua sách cho học sinh khó khăn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ đạo khắc phục việc thiếu giáo viên, mua sách cho học sinh khó khăn - Ảnh 1.

Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 - Ảnh: VĨNH HÀ

Trong 12 nhiệm vụ đươc xác định là trọng tâm của năm học mới nêu trong chỉ thị, bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ đạo ngành giáo dục tham mưu, triển khai các bước nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Trong đó chú trọng thực hiện quyết định của Bộ Chính trị bổ sung biên chế giáo viên cho năm học này, ưu tiên bổ sung cho các môn học mới để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Bộ trưởng cũng chỉ đạo việc chủ động rà soát, sắp xếp trường lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế; thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với nhà giáo.

Năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Bên cạnh việc tăng cường bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, sẽ thực hiện dự báo nhu cầu và xây dựng kế hoạch dài hạn đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng, đảm bảo về cơ cấu, số lượng, chất lượng.

Cùng với việc tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các lớp 3, 7 và 10, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp 4, 8, 11, sách giáo khoa tiếng dân tộc và tài liệu địa phương, tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai chương trình mới hiệu quả.

Trong chỉ thị năm học, bộ trưởng cũng đặt ra nhiệm vụ trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách nhà nước để mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn.

Ở bậc đại học, trong năm học tới sẽ xây dựng khung chiến lược phát triển giáo dục đại học, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2060. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học toàn diện, thực chất, hiệu quả, gắn với trách nhiệm giải trình trong hoạt động chuyên môn, học thuật, nhân sự, tài chính…

Các yêu cầu về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học, tăng cường hội nhập quốc tế, thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục cũng được đề cập trong chỉ thị thực hiện nhiệm vụ năm học mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm học 2022-2023: Bộ GD-ĐT chỉ đạo khắc phục việc thiếu giáo viên, mua sách cho học sinh khó khăn