Sáng 24/8, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị Giáo dục đại học năm 2021. Hội nghị trực tuyến với điểm cầu tại Bộ GDĐT kết nối khoảng 500 điểm cầu tại các trường đại học và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Năm học 2020-2021 các cơ sở giáo dục đại học trong thực hiện mục tiêu “kép”
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, cho biết: Năm học 2020-2021 là năm có nhiều sự kiện đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh toàn quốc chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Kết luận 51-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Đây là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; năm học thứ 2 thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, và một số văn bản quy phạm pháp luật khác.
Năm học 2020-2021, là năm thứ 2 toàn ngành Giáo dục triển khai nhiệm vụ năm học trong điều kiện hết sức đặc biệt, rất khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đó, hệ thống giáo dục đại học không những ứng phó tốt với dịch bệnh mà còn chủ động, tích cực cùng các địa phương trong cả nước thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Thực hiện chuyển nhanh sang giảng dạy và học tập trực tuyến, tổ chức linh hoạt việc đào tạo, đánh giá kết quả học tập.
Theo Thứ trưởng Sơn, đến thời điểm này, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã hoàn thành nhiệm vụ năm học, trong đó có tham gia công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Riêng một số trường khu vực miền Trung, miền Nam đang gặp rất nhiều khó khăn; 1 số trường thuộc khối y dược, công an, quân đội đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các tỉnh phía Nam nên chưa thể kết thúc năm học.
Thứ trưởng ghi nhận những đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học trong thực hiện mục tiêu “kép”: Vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; vừa tham gia công tác phòng chống dịch; trong đó đặc biệt ghi nhận nỗ lực của các trường khối y dược, công an, quân đội.
Năm 2020-2021, với đa số các cơ sở giáo dục đại học công lập còn là năm đầu tiên của nhiệm kỳ lãnh đạo mới. Các trường đã rất nỗ lực trong xây dựng mô hình quản trị nhà trường - mô hình quản trị hoàn toàn mới; thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình trong mọi hoạt động, từ tài chính, tổ chức nhân sự… theo đúng quy định của pháp luật.
Về phía Bộ GDĐT đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật với tư duy đổi mới trong quản lý nhà nước về GD-ĐT. Đến nay, hầu hết các văn bản quan trọng đã được ban hành và sẽ được ban hành sớm ngay trước thềm năm học mới.
Tự chủ đại học vẫn đang ở trong thời kỳ quá độ
Là vấn đề mà Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh. Thứ trưởng đề nghị cần nhìn nhận, đánh giá đúng, thực chất; ghi nhận những kết quả, thành tựu đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời nêu rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; phân tích và chỉ rõ nguyên nhân trong quá trình thực hiện.
Trên cơ sở đó, xác định rõ phương phướng và quán triệt triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm học 2021-2022 và những định hướng lớn trong năm tới.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng đưa ra các vấn đề cần tập trung thảo luận được như: làm thế nào để có chương trình hành động để thực hiện nhiệm vụ cụ thể triển khai các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ trong giai đoạn mới, bối cảnh mới?
Thứ 2: Tự chủ đại học vẫn đang ở trong thời kỳ quá độ; chúng ta đang triển khai, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.
Với các nhà trường thì nỗ lực xây dựng những văn bản quy định nội bộ của trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt; triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới, đặc biệt những quy chế liên quan đến tuyển sinh, đào tạo và những quy định về cán bộ, giảng viên, tài chính… Có rất nhiều khó khăn vì tự chủ đại học là vấn đề mới với nhiều cơ sở giáo dục đại học.
Thứ 3: Chúng ta đang đứng trước giai đoạn mới, trong bối cảnh mới. Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa xác định rõ thời điểm nào sẽ kết thúc.
Do đó, cần xác định những nhiệm vụ, giải pháp đột phá, quyết liệt chuyển trạng thái của ngành GD-ĐT nói chung, hệ thống giáo dục đại học nói riêng, để phù hợp, thích ứng trong bối cảnh mới, đưa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là một trong những động lực then chốt để phát triển kinh tế xã hội của đất nước, như Nghị quyết của Đảng đã đề ra.