Theo thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ thanh tra năm học 2018-2019 khối Sở GD-ĐT, năm học 2017-2018 trong khối đã có 875 cuộc thanh tra trong đó 75 cuộc thanh tra đột xuất.
Nội dung các cuộc thanh tra tập trung vào công tác quản lý của Thủ trưởng đơn vị và những vấn đề nóng, bức xúc như: Dạy thêm, học thêm, thu chi đầu năm học, sử dụng văn bằng chứng chỉ, tư vấn du học trên địa bàn; việc tuyển dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên; việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo; liên kết đào tạo trên địa bàn…
Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý vi phạm, kịp thời kiến nghị điều chỉnh các văn bản quản lý, góp phần tác động tích cực đến hoạt động giáo dục của ngành. Hoạt động thanh tra đã góp phần tích cực vào việc giữ gìn kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn ngành; tác động tới hệ thống, góp phần tích cực cho công tác quản lý giáo dục của địa phương, là thông tin quan trọng giúp Giám đốc các Sở GD-ĐT quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thanh tra vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như kế hoạch thanh tra của một số Sở GD-ĐT chưa cụ thể, còn dàn trải, chưa tập trung các nhiệm vụ trọng tâm; việc tiến hành thanh tra còn kéo dài; chưa chú trọng việc theo dõi, xử lý sau thanh tra; một số Sở GDĐT có lực lượng thanh tra còn mỏng, khó khăn cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tại một số địa phương công tác thanh tra chưa phát huy được vai trò dẫn đến những khuyết điểm đáng tiếc.
Năm học 2018-2019, công tác thanh tra sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó tập trung nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò công tác thanh tra trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và đổi mới công tác thanh tra; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp của ngành, các vấn đề bất cập trong thực tiễn và dư luận phản ánh; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo; phối hợp hiệu quả hoạt động thanh tra tại các địa phương.
Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đánh giá cao công tác thanh tra trong năm học vừa qua. Theo Thứ trưởng, trong năm học 2017-2018, các Sở GD-ĐT đã thực hiện hoạt động thanh tra theo hướng chuyển từ thanh tra chuyên môn sang thanh tra công tác quản lý, chuyên nghiệp hóa hoạt động thanh tra; chú trọng thanh tra gắn với chức năng quản lý nhà nước của sở GDĐT theo phân cấp.
Kết quả đạt được của công tác thanh tra giáo dục đã góp phần quan trọng trong việc chấn chỉnh những sai phạm, lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động giáo dục, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT và mang lại niềm tin cho xã hội về giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hùng cho rằng, việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra ở một số địa phương thời gian qua vẫn còn có những hạn chế như chưa quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, lúng túng trong phân biệt giữa thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, cá biệt có sở chưa xây dựng được kế hoạch thanh tra.
Thứ trưởng nhấn mạnh, bước sang năm học 2018-2019 cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của công tác thanh tra từ Bộ đến các Sở, đến người đứng đầu các cơ sở giáo dục và trực tiếp là đội ngũ làm công tác thanh tra tại các địa phương. Chủ động tham mưu, đề xuất về các hoạt động thanh tra. Lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thanh tra, từ đó có tác động đến toàn hệ thống.
Để công tác thanh tra ngày càng nâng cao chất lượng, Thứ trưởng yêu cầu, Thanh tra Bộ cũng như các địa phương cần tăng cường nhân sự làm công tác thanh tra, đảm bảo vị trí việc làm. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức tập huấn công tác thanh tra cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác thanh tra tại các địa phương; tăng cường trao đổi, chia sẻ giữa lực lượng thanh tra các cấp để cùng thống nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra.