Giáo dục

Năm 2024: Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Minh Lý 17/01/2024 - 07:05

Trong năm 2023, công tác tuyển sinh cả nước đạt 2.295.000 người (đạt 100% kế hoạch năm), trong đó: Trình độ cao đẳng, trung cấp là 530.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 1.765.000 người. Đây là kết quả có tín hiệu tích cực, đặc biệt là tuyển sinh được nhiều học sinh, sinh viên đăng ký học các ngành, nghề trọng điểm mũi nhọn.

Những dấu ấn phát triển lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp

Năm 2023, là một năm có nhiều khó khăn và thách thức đối với công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Tuy nhiên, với sự đoàn kết, nỗ lực của ngành chức năng đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Nổi bật trong đó là kết quả tuyển sinh và các hoạt động tăng cường các hợp tác quốc tế về GDNN giúp thu hút được nhiều đối tác nước ngoài đầu tư vào GDNN. Đây là những điểm sáng trong công tác GDNN

Để gặt hái được những kết quả trên, một trong những dấu ấn đó là:

Công tác sắp xếp, tổ chức lại các trường công lập 4 cấp (quốc gia, vùng, ngành, tỉnh) theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, Bộ đã ban hành các quyết định giải thể 13 trường cao đẳng, sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của 4 Bộ, 46 địa phương. Các tỉnh/thành phố theo thẩm quyền đã quyết định sáp nhập, giải thể 30 trường trung cấp và 42 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc các Bộ, ngành, Trung ương theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Ban chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có Kết luận số 114 yêu cầu các Bộ, ngành sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng, trường trung cấp công lập theo 4 cấp (quốc gia, vùng, ngành, tỉnh) theo quy hoạch.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển nguyên trạng 10 trường cao đẳng, trung cấp thuộc Bộ Xây dựng; Bộ Nội vụ đã đề xuất chuyển nguyên trạng 8 trường cao đẳng thuộc Bộ Công thương, 2 trường cao đẳng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và 3 trường cao đẳng thuộc Bộ Quốc phòng sang Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội quản lý.

tap-trung-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-nhat-la-cac-nganh-trong-diem-mui-nhon-dap-ung-nhu-cau-thi-truong-lao-dong.-2-.png
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành trọng điểm, mũi nhọn đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Đồng thời, giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì xây dựng Đề án thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành chất lượng cao.

Dấu ấn tiếp theo là chất Chất lượng đào tạo nghề tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ. Theo số liệu điều tra, thống kê về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2023, chỉ số chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam dựa trên kết quả đánh giá của doanh nghiệp đã có những bước thăng hạng nhảy vọt.

So với năm 2022, chỉ số chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam với điểm trung bình trọng số 4.82 trên thang điểm 7 đã tăng 8 bậc, vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao (5 bậc).

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam nằm trong top 4 và chỉ xếp sau Singapore và Indonesia. Chỉ số GCI là một công cụ để đo lường các yếu tố kinh tế vi mô và vĩ mô ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh, điểm mạnh, điểm yếu của các nền kinh tế.

Xếp hạng của WEF cũng phản ánh các nhân tố ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của một quốc gia, vốn cũng là yếu tố cơ bản cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Sự tăng tiến của chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam cũng có thể thấy rõ qua kết quả đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố vào tháng 3/2023. Theo đó, chất lượng đào tạo nghề Việt Nam trên thang điểm 6 đã đạt 4.4 điểm (năm 2018 chỉ đạt 3.8 điểm).

Báo cáo PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện dựa trên kết quả điều tra đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, nhằm tăng cường chất lượng điều hành kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam.

Chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp cũng là dấu ấn đạt nhiều kết quả tích cực.

Triển khai Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2023, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng Bộ tiêu chí, tiêu chuẩn cho việc đánh giá trường cao đẳng số/thông minh.

Xây dựng mô đun đào tạo “Năng lực số” trình độ trung cấp, cao đẳng; xây dựng và bước đầu đưa vào sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến; nền tảng quản trị số; nền tảng Tài nguyên Giáo dục mở dùng chung, phòng E-learning studios sản xuất học liệu số, hệ thống thực tế ảo tại 11 trường.

Triển khai nền tảng học tập trực tuyến congdanso.edu.vn đã cung cấp 22 khóa học (gồm kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp...), và cấp chứng chỉ cho gần 30.000 lượt người, trong đó có gần 1.800 người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Những kết quả bước đầu trong chuyển đổi số GDNN đã góp phần mở rộng phương thức đào tạo, tăng thêm cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp cho người học, thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó, các hoạt động truyền thông, tôn vinh người dạy, người học đã lan tỏa giá trị, khơi nguồn đổi mới sáng tạo trong giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN.

Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp trọng tâm

Bước vào năm 2024, Tổng cục GDNN đã đề ra phương hướng hoạt động, tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN. Quyết liệt, chủ động hơn trong việc triển khai các hoạt động trọng tâm, đột phá của Chiến lược phát triển GDNN và Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo lộ trình.

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành trọng điểm, mũi nhọn đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, ưu tiên cho các lĩnh vực, ngành nghề mới với kỹ năng mới, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Nghiên cứu, đổi mới việc đánh giá kiến thức, kỹ năng và công nhận chứng chỉ, bằng cấp cho người học, người lao động.

Cùng với yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ,TB&XH xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số. Đồng thời, phải có giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất lao động; đặc biệt là tăng cường kỹ năng số cho người lao động…

anh-minh-hoa..png
Ảnh minh họa.

Để triển khai những yêu cầu này, Bộ LĐ,TB&XH xác định phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, nhóm giải pháp hàng đầu là phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề. Cùng với đó là triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, Tổng cục cũng chú trọng thực hiện chương trình chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời, triển khai khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp...

Chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ giáo viên giảng dạy, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành khung tham chiếu của Việt Nam đối với cấu phần GDNN; Đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, phát triển kỹ năng mềm, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở GDNN;

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số gắn liền với truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông các hoạt động về GDNN nhằm nâng cao nhận thức của người học, gia đình, xã hội và doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách, xã hội hóa trong GDNN...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2024: Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp