Nhờ những chính sách thay đổi trong hệ thống pháp lý về hành chính cũng như tài chính - ngân hàng của Chính phủ Việt Nam, đã tạo đà cho thị trường BĐS năm 2016 tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn.
Đó là lời nhận định trong báo cáo “Around the world in Dollars and Cents” của Savills toàn cầu.
Tác động của chính sách vĩ mô
Ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam nhận định, do tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đang tăng mạnh, kéo thu nhu cầu về nhà ở và những cải cách trong chính sách của Chính phủ về phát triển kinh tế vĩ mô, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cũng góp phần cho các chủ đầu tư (CĐT) cung cấp cho thị trường những dự án thật sự và tránh được việc mua bán ảo trên giấy tờ và sang nhượng khống. Bên cạnh đó, luật về nhà ở sửa đổi cho người nước ngoài tham gia vào lĩnh vực nhà ở, đã góp phần cho sự tăng trưởng mà trước đây chủ yếu đến từ thị trường nội địa.
Báo cáo của Savills cũng nêu, lượng giao dịch tại TP. Hồ Chí Minh chỉ trong Quý I cũng tăng mạnh đến 5.220 căn, đây cũng được cho là lượng giao dịch cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, thì mặc dù giao dịch tăng nhưng giá căn hộ vẫn ổn định.
Còn theo nghiên cứu của tập đoàn CBRE Việt Nam, thì mặc dù còn một số hạn chế nhưng giá cả ổn định chính là yếu tố giúp thị trường BĐS khó xảy ra hiện tượng bong bóng. Ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc điều hành của CBRE Việt Nam lý giải, đây là chu kỳ mới của thị trường BĐS theo nguyên lý phát triển và cuộc cạnh tranh “tự nhiên” trong thời gian vừa qua, đã giúp thị trường BĐS thanh lọc rõ ràng, buộc những chủ đầu tư (CĐT) yếu kém, không có năng lực phải tự động rời khỏi cuộc chơi, khi sân chơi chỉ dành cho những nhà đầu tư thật, có năng lực và chiến lược rõ ràng, minh bạch.
Dự án có vị trí tốt sẽ tạo ra tính thanh khoản cao cho thị trường, cho chủ đầu tư và cả ngân hàng khi tham gia giải ngân vốn
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, việc sửa đổi thông tư 36 của ngân hàng Nhà nước, cũng là yếu tố bắt buộc các ngân hàng khi tham gia vào thị trường BĐS, họ phải kiểm soát sự rủi ro của ngân hàng bằng việc tính giá trị thanh khoản của các dự án, cũng như năng lực của CĐT. Vì vậy, CĐT phải có những dự án thật và giả cả ổn định thì khó tạo ra bong bóng cho thị trường BĐS.
Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng nhận định, thị trường cung - cầu lệch pha, giá cả không thực tế và giao động liên tục… sẽ tác động mạnh vào hệ thống tiền tệ và ngân hàng thiếu kiểm soát mới có thể làm cho bong bóng BĐS xảy ra.
Nhiều chuyên gia về kinh tế cũng thẳng thắn nhìn nhận, thị trường BĐS những tháng cuối năm của 2015 đã tăng trưởng ngoạn mục, mở đầu cho một chu kỳ mới.
Một chu kỳ BĐS tăng trưởng thực sự
Thực tế chỉ tính riêng thị trường TP. Hồ Chí Minh, chỉ trong 2 quý cuối năm 2015 và vừa bước vào Quý I của năm 2016, đã có nhiều CĐT triển khai và mở bán ra thị trường, hàng loạt các dự án ở trong tất cả mọi phân khúc. Tuy nhiên, thị trường căn hộ trung và cao cấp vẫn chiếm thị phần chủ đạo.
Tập đoàn Novaland đặt mục tiêu giới thiệu ra thị trường 5 dự án mới với khoảng 4.000 sản phẩm, tập trung vào các dự án tại khu trung tâm và sản phẩm nhà phố, biệt thự; Tập đoàn Hưng Thịnh land cũng sẽ chào hàng ra thị trường với 7.000 sản phẩm, bao gồm căn hộ và đất nền, một số sản phẩm được Công ty giới thiệu như SaigonMia (quận 7), 9 View (quận 9) Lavita Garden (quận Thủ Đức); Tập đoàn Hoàn Cầu cũng vừa trình làng dự án Khu dân cư cao cấp Diamond City (quận 7) với gần 800 căn hộ; Tập đoàn LDG cũng trình làng dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Grand World (Phú Quốc), Khu dân cư nghĩ dưỡng Giang Điền; Đất Xanh Group cũng đồng loạt tung ra nhiều dự án như Luxcity, Opal Riverside…
Ông Bùi Cao Nhật Quân, Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Novaland cho biết: Hầu hết các phân khúc đều có sự hồi phục mạnh mẽ, đáng chú ý nhất là phân khúc nhà ở ở phân khúc trung và cao cấp cũng sẽ mở đầu cho một thời kỳ mới của thị trường BĐS hướng đến các tiêu chuẩn xanh và chất lượng.
Còn ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land nhận định, thời gian qua, nhiều dự án chưa hoàn thành vì CĐT thiếu vốn. Sau khi Chính phủ mở “van” tín dụng, cùng nhiều chính sách mới cho Luật Kinh doanh BĐS 2014 sửa đổi được áp dụng, đã tạo cơ hội và đòn bẩy cho một số dự án tiếp tục triển khai mới, hoàn thiện những dự án bỏ dở và một thị trường với những dự án thật. Từ đó, niềm tin của người dân cũng ngày càng được củng cố.
Đồng quan điểm với ông Hiền, ông Lê Quang Hàng, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Saigonland cũng cho rằng, nếu Chính phủ chỉ xây dựng hệ thống BĐS bằng các chính sách hành chính thì tác động và hiệu quả sẽ không cao. Thậm chí, nó còn có thể tạo ra một thị trường ảo khi giá cả được đội lên.
Rõ ràng, dù trong bối cảnh thị trường BĐS mới bắt đầu cho một chu kỳ phát triển mới, nhưng việc Chính phủ cải thiện trong hệ thống pháp lý hành chính, cũng như ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hệ thống tín dụng cho vay doanh nghiệp, không chỉ làm giảm đi những rủi ro nợ xấu cho ngân hàng mà còn là điều kiện để cho CĐT định hướng, xây dựng và cho ra những sản phẩm có thật… góp phần cho thị trường BĐS phát triển đúng chất và bền vững trong tương lai.