Ngày 14-9, tại Hội nghị tham vấn Dự thảo nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị y tế công lập, Bộ Y tế tiếp tục đưa ra lấy ý kiến về dự thảo điều chỉnh khung giá một phần viện phí.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc điều chỉnh khung viện phí đối với 350 dịch vụ y tế đang áp dụng từ năm 1995 là việc làm cần thiết, nhưng phải nằm trong khả năng chi trả của người dân và phải hỗ trợ tối đa cho người nghèo, đối tượng chính sách, không ảnh hưởng tới an sinh xã hội.
40% người dân không có BHYT
Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, khi viện phí điều chỉnh theo hướng tăng sẽ góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Mặt khác, khi điều chỉnh tăng viện phí cần phải đánh giá tác động đến 2 vấn đề lớn, đó là 40% người dân không có bảo hiểm y tế (BHYT) và sự cân đối quỹ BHYT.
Viện phí tăng sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. (Ảnh: internet)
Theo thống kê của BHYT Việt Nam, phần lớn những người chưa có BHYT thuộc hộ gia đình nghèo, thu nhập không ổn định, kinh tế khó khăn. Vì thế, tăng giá viện phí là cần thiết nhưng phải có phương án đẩy nhanh “độ bao phủ” BHYT, nhằm tiến tới BHYT toàn dân càng sớm càng tốt.
Về vấn đề BHYT, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, giá viện phí hiện nay đang được Nhà nước bao cấp cho cả người nghèo lẫn người có thu nhập cao, có khả năng chi trả toàn bộ viện phí. Mức thu thấp như vậy không hấp dẫn người dân tự nguyện tham gia BHYT và như vậy là không công bằng.
Bộ trưởng Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, các bệnh viện tăng cường nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh, xây dựng đề án thực hiện BHYT toàn dân. Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định 139 để hỗ trợ các đối tượng khó khăn trong khám, chữa bệnh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Y tế cần bám sát nguyên tắc của BHYT là chia sẻ giữa những người phải vào viện và người không phải vào bệnh viện. Bộ Y tế và Bộ Tài chính cần hoàn thiện cơ chế thay đổi mức thu BHYT để phù hợp theo thời gian hàng năm.
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế trong quý IV-2011 trình Chính phủ về mức điều chỉnh cụ thể của 350 dịch vụ y tế, đến năm 2012 triển khai thực hiện.
Điều chỉnh tăng 350 dịch vụ y tế
Đó là phí khám chữa bệnh, giường bệnh, các dịch vụ kỹ thuật… Trong đó có 220 dịch vụ tăng giá 2 - 2,5 lần, khoảng 70 dịch vụ tăng 7 - 10 lần. Theo Bộ Y tế, mức viện phí áp dụng mức giá dịch vụ y tế cũ từ năm 1995 đã lạc hậu.
Viện phí sẽ tăng từ 2-7 lần. (Ảnh: DV)
Ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế cho biết, nếu không điều chỉnh viện phí thì bệnh viện sẽ không có nguồn kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ. Vì viện phí thấp dẫn đến trường hợp bệnh viện yêu cầu người bệnh đóng thêm hoặc không thực hiện dịch vụ mà yêu cầu người bệnh đi nơi khác, gây phiền hà cho người bệnh có thẻ bảo hiểm.
Dự kiến việc tăng giá viện phí sẽ được thực hiện theo lộ trình. Trong giai đoạn 2011-2012, khi chờ Chính phủ phê duyệt Nghị định, sẽ điều chỉnh giá của khoảng 350 dịch vụ y tế trong số khoảng 3.000 dịch vụ (là các chi phí liên quan trực tiếp đến khám, chữa). Từ năm 2013 trở đi, khi Nghị định đã được phê duyệt thì sẽ chuyển từ thanh toán theo phí dịch vụ sang thanh toán trọn gói, thanh toán theo định suất với người có thẻ BHYT. Vì viện phí tăng nên dự kiến mức đóng BHYT cũng tăng theo.
T.H