Năm 2014, Mỹ giữ vững phong độ với vị trí nhà xuất khẩu vũ khí số 1 thế giới, trong khi nền công nghiệp quốc phòng Nga tiếp tục là “ông vua về nhì”, Sputnik đưa tin.
M1 Abrams - mệnh danh là “Vua chiến trường” - là loại xe tăng chủ lực do hãng General của quân đội Mỹ được sản xuất năm 1980, theo thiết kế của Chrysler Defense. Ảnh: AP
Dẫn bài báo đăng trên New York Times, Sputnik cho biết, thu nhập từ các thương vụ trang thiết bị quân sự đã đem lại cho Mỹ nguồn thu 36,2 tỷ USD trong năm 2014 và kiểm soát tới trên 50% thị trường vũ khí thế giới.
Nga vẫn tiếp tục giữ vị trí số 2 trên thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu, kiếm được 10,2 tỷ USD trong năm vừa qua.
Thụy Điển đứng thứ ba với 5,5 tỷ USD. Pháp và Trung Quốc lọt vào top 5 nước dẫn đầu với 4,4 và 2,2 tỷ USD.
Báo cáo tổng kết đệ trình lên Quốc hội Mỹ nêu rõ, so với con số 26,7 tỷ USD thu được từ buôn bán vũ khí năm 2013, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng lên là nhờ vào những hợp đồng lớn bán trang thiết bị quân sự cho Hàn Quốc, Arập Saudi và Qatar.
Theo New York Times, Mỹ đã tận dụng căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên để biến Seoul thành quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chấp nhận bỏ ra hơn 7,8 tỷ USD để mua các trang thiết bị quân sự hạng nặng - mà chủ yếu từ Mỹ.
Trong bảng xếp hạng các quốc gia nhập khẩu vũ khí, Iraq đứng thứ 2 với khoản chi 7,3 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng sau khi Mỹ rời khỏi đất nước này.
Trong khi đó, với chính sách tái thiết vũ trang quân đội, Brazil xếp thứ 3 với một con số ấn tượng 6,5 tỷ USD - chủ yếu tập trung vào việc mua máy bay quân sự do Thụy Điển sản xuất.
Như vậy, tổng cộng trong năm 2014, tổng giá trị của các hợp đồng vũ khí hợp pháp đạt 71,8 tỷ USD, bài báo nêu rõ.