Moscow đã bày tỏ sự lo ngại về việc triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc của Mỹ, bởi họ cho rằng thực tế hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo này gây ra mối đe dọa lớn đối với an ninh nước Nga.
An ninh nước Nga sẽ bị đe dọa nếu Mỹ triển khai lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc?
Theo ông Alexander Timonin, Đại sứ Nga tại Hàn Quốc, Moscow xem khả năng triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Washington như “mối đe dọa an ninh đáng kể đối với Nga cũng như ở các khu vực xung quanh”, RIA Novosti đưa tin.
Quan ngại về công nghệ và hệ thống radar sử dụng cho THAAD, ông Alexander Timonin nói thêm: “Điều khiến chúng tôi lo lắng đó là hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể được đặt ở những khu vực không cách xa Nga”.
Mặc dù Washinton luôn khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ dự định triển khai chỉ nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa từ phía CHDCND Triều Tiên, song các chuyên gia của Nga lại chỉ ra rằng, thực tế tầm hoạt động của hệ thống THAAD cách xa bán đảo Triều Tiên.
“Tất nhiên nó sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Và một trong những nhiệm vụ đó, tất nhiên, là nhằm vào Bắc Triều Tiên. Nhưng ngoài ra, khả năng của hệ thống này cho phép nó có thể đánh chặn tên lửa, chẳng hạn như tên lửa của Nga. Đúng vậy, thế nên thật không may, những cơ sở để tin rằng mối lo ngại đối với tình hình an ninh của Nga và thậm chí cả Trung Quốc là có thật”, ông Alexander Vorontsov, Chủ nhiệm Ban Triều Tiên và Mông Cổ Viện Nghiên cứu phương Đông Viện Hàn lâm khoa học Nga nhận định.
Nói về mối quan ngại đối với an ninh quốc gia, Trung Quốc cũng phản đối mạnh mẽ việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại khu vực Nam Á. Còn Seoul thì hiện đang lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, cố gắng duy trì quan hệ với cả Bắc Kinh và Washington.
Bên cạnh đó, việc Hàn Quốc quyết định gia nhập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng bất chấp sự “không hài lòng” của Washington như “đổ thêm dầu vào lửa”, làm cho tình hình ngày càng trở nên căng thẳng.
Trong khi Tổng thống Park Geun-hye trung thành với chính sách “chiến lược mơ hồ”, tiếp tục im lặng về vấn đề THAAD và tránh đề cập trực tiếp đến việc này, thì một số quan chức cấp cao của Hàn Quốc, đặc biệt là những thành viên của đảng Tổng thống Park Geun-hye, lại công khai tán dương ý tưởng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
Ngày 15/3, một nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho biết, Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) sẽ được quân đội Mỹ triển khai trong tình trạng bán đảo Triều Tiên bị rơi vào tình trạng “khẩn cấp”. Ngày 24/3, theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, Moscow tin rằng kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang và làm cho các cuộc thương lượng về vấn đề tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thêm tồi tệ. THAAD là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, THAAD cũng có khả năng hạn chế trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Chương trình THAAD được khởi xướng vào năm 1987, sau khi Mỹ nhận ra rằng hệ thống tên lửa Patriot không đủ khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật tinh vi. |