Mỹ: Mánh lới kiếm tiền của các công ty sản xuất phim khiêu dâm

31/08/2012 11:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chào bạn. Bạn là bị đơn trong một vụ kiện vì đã tải trái phép một bộ phim khiêu dâm có bản quyền. Nếu bạn không muốn bị phạt 150.000 USD, tên tuổi bị đưa lên báo chí thì các bạn phải trả khoản tiền thương lượng là...”.

 

Hàng năm, hàng chục ngàn người Mỹ đã là nạn nhân của trò tống tiền sống sượng này. Sơ bộ, cách này còn “ra tiền” hơn cả việc bán chính những bộ phim “con heo” kia.

“Làm tiền” sống sượng

Một trong những mánh khóe kiếm tiền thường thấy của các công ty sản xuất phim khiêu dâm là lợi dụng việc vi phạm bản quyền. Họ phát đơn kiện những người dùng vô danh kiểu “anh A, chị B” đã tải xuống trái phép phim ảnh khiêu dâm, sau đó dùng lệnh của Tòa án buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải cung cấp danh tính của những người này, từ đó vòi tiền. Số liệu ở Mỹ cho biết, những năm gần đây đã có hàng trăm công ty khiêu dâm đâm hàng ngàn đơn kiện. Thủ đoạn của họ thường là cử người gọi điện đe dọa bị đơn và đề nghị thương lượng nhanh ngoài Tòa với khoản tiền bồi thường từ 1.000 đến 5.000 USD, tránh cho việc phải theo kiện với số tiền phạt có thể lên tới 150.000 USD và tên tuổi bị đưa ra công khai. Nhiều người phàn nàn rằng, họ vẫn phải nộp tiền vì sợ phiền phức, mặc dù bản thân không hề tải xuống phim ảnh nào.

Mỹ: Mánh lới kiếm tiền của các công ty sản xuất phim khiêu dâm

 

Tuy nhiên, có đôi khi những nạn nhân này kiện ngược lại các công ty “vòi vĩnh” kia. Một phụ nữ Mỹ tên là Jennifer Barker ở bang Kentucky đâm đơn kiện 5 công ty đã vòi tiền cô vì tội quấy rối sự riêng tư bằng những cuộc gọi khiếm nhã. Luật sư của cô Barker, ông Ken Henry cho biết: Theo điều tra riêng của ông, các công ty này đã đâm đơn kiện hơn 500 “ông A, bà B” tại 17 bang trên khắp nước Mỹ. Đặc biệt, luật sư này ước tính đã có khoảng nửa triệu người trên khắp thế giới phải nhận những cuộc gọi đòi tiền từ đại diện của các công ty này. Luật sư Henry dẫn ra lời chứng của ông Josip Gotvald, 57 tuổi, một người nhập cư gốc Croatia tại bang Arizona. Ông này kể, khi nhận được thông báo rằng mình vừa thua một vụ kiện về bản quyền, ông còn chưa bao giờ nghe đến tên Công ty Raw Films hay tên bộ phim quái quỷ (Raw Rescue) mà người ta cáo buộc ông tải xuống bất hợp pháp. “Tôi chưa bao giờ dùng đến máy tính, lại càng chưa biết tải lên tải xuống như thế nào”, ông này than vãn. Luật sư Henry cũng cho biết thêm, chiến thuật vòi tiền của các công ty này thường thành công, vì số tiền không phải là lớn, trong khi nguy cơ tên tuổi bị gắn với việc tải phim ảnh khiêu dâm là hết sức phiền toái.

 

Luật pháp bắt đầu vào cuộc

 

Năm công ty bị kiện bao gồm: K-Beech Inc, Third Degree Films, Patrick Collins Films, Malibu Media và Raw Films (3 công ty đầu ở Mỹ, 2 công ty còn lại ở nước ngoài) đều là những công ty nhỏ và chỉ có mặt ở trên Internet. Luật sư Marc Randazza, được các công ty khiêu dâm thuê để bảo vệ quyền lợi của mình, cho rằng các nhà làm phim này đều là các doanh nghiệp nhỏ và không thể tồn tại được nếu người “dùng chùa” sản phẩm của họ. “Mọi sản phẩm đó đều có bản quyền, nếu người ta ăn cắp thì họ còn lại cái gì”, luật sư này nói, “dù bạn có thích phim khiêu dâm hay không thì quyền tự do giải trí cũng là một phần của nước Mỹ”.

 

Về phía mình, nguyên đơn cho rằng trò này còn kiếm bộn tiền hơn là việc sản xuất phim “con heo”. Ngay cả các nhà cầm cân nảy mực ở Hoa Kỳ cũng bắt đầu chú ý đến mánh lới kiếm tiền này. Thẩm phán Gary R. Brown cho biết, ông vừa nhận được một vụ kiên liên quan đến 3 “ông A, bà B” do K-Beech đâm đơn. Cả ba người này đều có lý do hoặc bằng chứng chứng minh rằng mình không dính dáng gì tới việc tải phim khiêu dâm. Một người đang ở sở làm vào thời điểm phim được tải, người khác đã hơn 80 tuổi và “không còn hứng thú” gì với loại phim này, người thứ ba là một phụ nữ coi việc tải phim khiêu dâm là “vô đạo đức và trái với tôn giáo và nhân cách” của mình. 

 

“Việc cho rằng người trả tiền hóa đơn Internet chính là người tải trái phép một bộ phim khiêu dâm nào đó là hết sức khiên cưỡng”, Thẩm phán Brown phân tích: “Việc này chẳng khác nào nói người trả tiền điện thoại chính là người đã thực hiện một cuộc gọi nào đó”. Luật sư Ken Henry cũng đồng tình với luận điểm này và nói thêm, các mạng không dây không có mật khẩu dễ dàng cho phép bất cứ ai truy cập vào và tải thông tin, bất kể là hợp pháp hay không. Trở lại trường hợp ông Josip Gotvald nói trên, bản thân ông này đã lắp một mạng không dây cho đứa cháu mình và rõ ràng là đã có ai dùng kết nối này để tải phim khiêu dâm. “Bảo tôi tải và xem loại phim này là một trong những điều vớ vẩn nhất trần đời”, ông này bực tức tuyên bố.

 

Tuệ Phương (theo FoxNews)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ: Mánh lới kiếm tiền của các công ty sản xuất phim khiêu dâm