Mỹ Hào - Hưng Yên: Ngang nhiên chiếm đất trái phép nhưng không bị xử lý

Nhóm PV| 15/04/2016 10:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong đơn gửi Báo Công lý và cơ quan chức năng, ông Nguyễn Đăng Dương phản ánh việc ông bị chiếm đất một cách trái phép hơn 10 năm nay nhưng không được cơ quan có trách nhiệm giải quyết.

Lãnh đạo xã khẳng định: Việc chiếm đất là có thật!

Theo ông Nguyễn Đăng Dương (SN 1954, cán bộ hưu trí, hiện đang thuê nhà ở tại số 72B ngõ 358, phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), năm 2003, ông có mua của các ông Lưu Văn Cường, Lê Văn Uyển và Lê Văn Thặng một mảnh đất hơn 200m2 thuộc thôn Sài Phi, xã Minh Đức, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên để chuẩn bị về sinh sống. Tháng 7/2004, lợi dụng khi ông Dương không có ở Hưng Yên, vợ chồng ông Đặng Văn Thùy và bà Đào Thị Nhuần đã thuê người xây dựng trái phép nhà cấp 4 với diện tích khoảng 165m2 trên đất nhà ông Dương. Từ đó đến nay, ông Dương đã làm đơn tố cáo ra chính quyền xã, huyện và nhiều ngành chức năng của tỉnh Hưng Yên nhưng vẫn không giải quyết được.

Mãi đến năm 2011, khi vụ việc của ông được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và một số cơ quan chức năng chuyển đơn đề nghị giải quyết thì UBND xã Minh Đức mới mời hai bên lên để tiến hành hòa giải nhưng đến nay vẫn không có kết quả. Ông Dương cho biết, mặc dù vợ chồng ông Thùy là người chiếm đất trái phép, nhưng tại các buổi hòa giải, ông Dương vẫn đề nghị hỗ trợ di dời 100 triệu đồng nhưng ông Thùy và bà Nhuần vẫn không đồng ý, đòi ông Dương phải trả số tiền 1,5 tỷ đồng, gấp nhiều lần so giá trị mảnh đất mới di dời. Không những thế, bà Nhuần và con rể còn chửi bới, đe dọa, thách thức ông Dương ngay tại buổi hòa giải.

Mỹ Hào - Hưng Yên: Ngang nhiên chiếm đất trái phép nhưng không bị xử lý

Ngôi nhà xây trái phép trên đất nhà ông Dương

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Đức xác nhận, mảnh đất tại thửa số 599, tờ bản đồ số 07 năm 1993 của xã Minh Đức thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Nguyễn Đăng Dương. Từ năm 2004 đến nay, ông Dương cũng đã làm đầy đủ nghĩa vụ tài chính, thuế với Nhà nước. Việc ông Dương tố cáo vợ chồng ông Đặng Văn Thùy và bà Đào Thị Nhuần chiếm giữ xây nhà bất hợp pháp từ năm 2004 là đúng sự thật.

Cũng theo ông Huỳnh, năm 2004, khi ông Thùy lấn chiếm và xây nhà trái phép trên đất của mình thì ông Dương cũng đã làm đơn ra xã trình bày vụ việc, nhưng sau đó ông Dương cũng không sát sao với việc này nên ông Thùy lại tiếp tục lấn chiếm. Đến năm 2011, ông Dương tiếp tục có đơn gửi UBND và các cơ quan chức năng. UBND xã đã tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng không có kết quả vì ông Thùy đòi ông Dương phải trả 1,5 tỷ đồng mới chịu di dời. Đến năm 2014, ông Thùy chết, vợ ông Thùy là bà Đào Thị Nhuần vẫn khóa cửa để đấy và sinh sống tại một địa điểm khác của xã mà không chịu di dời.

Biết sai nhưng không xử lý

Ông Nguyễn Văn Huỳnh cũng khẳng định, việc vợ chồng ông Thùy tự ý đổ đất làm nhà trên thửa đất gia đình không có giấy tờ về quyền sử dụng đất là vi phạm Luật Đất đai. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, phía UBND xã Minh Đức và huyện Mỹ Hào vẫn chưa đưa ra phương án xử lý vụ việc.

Theo ông Nguyễn Đăng Dương, suốt từ năm 2004 đến nay ông liên tục có đơn gửi các cấp chính quyền nhưng không được giải quyết cho đến năm 2011, UBND xã mới tiến hành hòa giải, nhưng đến nay vụ việc vẫn “giậm chân tại chỗ”. Như vậy, có thể thấy rằng, năm 2004, ông Dương đã có đơn đề nghị UBND xã giải quyết tranh chấp, vụ việc phải thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã Minh Đức quy định tại Điều 159 khoản 2 Nghị định 181/2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003, nhưng UBND xã đã không tiến hành hòa giải hai bên, cũng không lập biên bản xử lý vi phạm (theo Báo cáo số 06 ngày 28/1/2013 của UBND xã Minh Đức xác nhận có nhận đơn của ông Dương).

Đến thời điểm năm 2011, khi ông Dương tiếp tục gửi đơn, UBND xã vẫn không xử lý việc lấn chiếm đất theo quy định tại Nghị định 105/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (khoản 1 Điều 9, khoản 3 Điều 4, khoản 3 Điều 5). Theo đó, trường hợp hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính mà hành vi vi phạm hành chính chưa bị xử phạt thì người có thẩm quyền không thực hiện xử phạt vi phạm hành chính mà áp dụng biện pháp: buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm; buộc người vi phạm phải cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu và chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra...”.

Vì sao việc một công dân chiếm đất trắng trợn của người khác như vậy mà suốt một thời gian dài không bị xử lý? Phải chăng các cấp chính quyền bất lực hay vì một lý do nào khác? Câu hỏi này xin được gửi về UBND huyện Mỹ Hào và UBND tỉnh Hưng Yên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ Hào - Hưng Yên: Ngang nhiên chiếm đất trái phép nhưng không bị xử lý