Triều Tiên cảnh báo sẽ giáng đòn mạnh khiến Mỹ nếm mùi đau đớn chưa từng thấy, nếu Washington tiếp tục lợi dụng Liên Hợp Quốc để áp đặt các lệnh trừng phạt mới.
Theo giới phân tích, với các vụ thử tên lửa đạn đạo trong hai tháng qua, Triều Tiên muốn gửi đi những thông điệp cứng rắn đối với Mỹ và các đồng minh của Washington.
Nếu như hai quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào trong tháng 7 là một cảnh báo mạnh gửi đến Mỹ, thì hệ thống pháo phòng không thử nghiệm ngày 26/8 là lời cảnh báo tới Hàn Quốc, còn vụ phóng thử sau đó 3 ngày của một tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua lãnh thổ Nhật Bản chính là một lời cảnh báo gửi tới Tokyo. Vậy là Bình Nhưỡng không “bỏ rơi” một ai trong bộ ba đồng minh cứng Mỹ – Nhật – Hàn.
Trong vụ phóng sáng 29/8, Triều Tiên đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm trung được thiết kế gắn một đầu đạn hạt nhân. Đây là lần đầu tiên một tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản kể từ sau một vụ phóng năm 2009. Rõ ràng vụ phóng lần này mang một hàm ý khác, tạo ra một tiền lệ nguy hiểm rằng các tên lửa trong tương lai của nước này sẽ bay qua Nhật Bản.
Đến ngày 3/9, lãnh đạo Kim Jong-un đã ra một tuyên bố rằng Triều Tiên vừa thử thành công một quả bom nhiệt hạch đa năng với sức mạnh phá hủy khủng khiếp có thể được kích hoạt khi đang bay trên cao để thực hiện một cuộc tấn công EMP (xung điện từ) tùy thuộc vào mục đích chiến lược.
Mỹ chính thức đáp trả những lời đe dọa “lạnh gáy” của Triều Tiên
Vụ thử hạt nhân lần 6 của Bình Nhưỡng sau một loạt vụ phóng thử tên lửa đã nói lên nhiều điều về chiến lược của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Như vậy, trong năm 2017, Triều Tiên đã tiến hành 13 vụ phóng tên lửa với một tần suất bất thường. Các chuyên gia tin rằng Bình Nhưỡng có thể sở hữu tên lửa hạt nhân tầm xa trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ thứ nhất vào đầu năm 2021.
Triều Tiên cũng nhấn mạnh việc phát triển và hoàn thiện vũ khí hạt nhân như một biện pháp để răn đe các động thái thù địch và mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ, làm giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên và trong khu vực
Triều Tiên nghĩ rằng với việc phô trương năng lực tên lửa của mình, con đường dẫn tới đối thoại sẽ mở ra. Tuy nhiên, có lẽ logic này không được các nước khác hiểu theo cách tương tự khi ngày 11/9, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã quyết định thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên do Mỹ soạn thảo với tỷ lệ 15 ủng hộ - 0 phản đối.
Lệnh trừng phạt thứ 9 này cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng may mặc, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ, cấm thuê lao động mới Triều Tiên tại nước ngoài.
Nghị quyết còn cho phép các nước kiểm tra tàu nghi chở hàng Triều Tiên bị cấm nhưng trước hết phải được quốc gia sở hữu tàu đó đồng ý. Dự thảo ban đầu thậm chí muốn dùng vũ lực để lên tàu nhưng đã bị loại bỏ trong quá trình thương lượng.
Giới quan sát nhận định đây là lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước tới nay mà Triều Tiên phải hứng chịu. Ước tính, biện pháp trừng phạt mới có thể khiến Triều Tiên thiệt hại thêm khoảng 1,3 tỷ USD doanh thu hàng năm, qua đó gây áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa bị cộng đồng quốc tế phản đối.
Dù chưa cấm vận hoàn toàn, nhưng biện pháp trừng phạt áp đặt lên ngành dầu mỏ cũng như các ngành liên quan đến năng lượng Triều Tiên đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng tới Bình Nhưỡng.
Các nhà ngoại giao phương Tây ca ngợi cuộc bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên hôm 11/9 là một chiến thắng của cộng đồng quốc tế trước các hành động khiêu khích ngày càng gia tăng từ Bình Nhưỡng.
Ông Francois Delattre, đặc phái viên Pháp tại Liên Hợp Quốc cho biết, thế giới đang đối diện không phải một mối đe dọa khu vực mà là mối đe dọa toàn cầu, không phải mối đe dọa ảo mà là mối đe dọa trước mắt, nhưng mối đe dọa này là thứ đã đoàn kết chúng ta tại Hội đồng Bảo an.
Tuy nhiên, rất ít các nhà quan sát hay nhà ngoại giao tin vào việc chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt có thể khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa.