Lịch sử tội phạm nước Mỹ không thiếu những vụ án nổi tiếng mà hung thủ thoát án một cách kỳ diệu mà chính bị cáo cũng bất ngờ với lý do rất thuyết phục: Tâm thần.
Từ những vụ thoát án kỳ lạ đó mà Thượng viện đã đưa ra các quy định liên quan tới việc xét xử người bị tâm thần. Đến nay, việc thống nhất ý kiến của tất cả các bang trong trường hợp bị cáo mắc chứng tâm thần vẫn còn nhiều tranh cãi và vấp phải những phản đối của người dân. Nhiều người cho rằng, khi phạm tội nghiêm trọng, hung thủ dù bất kể là ai cũng phải chịu trách nhiệm theo pháp luật cho hành vi của mình. Không thể lấy lý do bị điên hay lý do tâm lý nào đó để bào chữa cho hành động của mình nhằm thoát tội.
Thoát án kỳ diệu nhờ được cho là tâm thần
Ngày 27/11/1978, cựu sĩ quan cảnh sát Dan White đã bắn chết thị trưởng San Francisco, George Moscone và ngài giám sát thành phố Harvey Milk ngay tại Tòa thị chính. Harvey Milk là một chính khách, nhà hoạt động tích cực cho quyền lợi người đồng tính công khai. Ông là người đồng tính đầu tiên được bầu vào bộ máy chính trị Mỹ. Vụ nổ súng xảy ra tại Tòa thị chính, trước sự chứng kiến của rất nhiều người.
Tại phiên tòa xét xử công khai Dan White, luật sư của đã cố gắng bảo vệ Dan White với lý do hắn bị bệnh trầm cảm nặng và mắc chứng mất trí nhớ tạm thời, tại thời điểm đó, hắn không kiểm soát được hành vi của mình. Dan White đã thoát tội “Giết người ở cấp độ 1” với lý do bị bệnh trầm cảm và chứng mất trí nhớ tạm thời. Thay vào đó là tội “Ngộ sát” và bị kết án 5 năm tù cho việc giết hai người. Quyết định của tòa án đã gây nên một cuộc bạo loạn của những người đồng tính bảo vệ Harvey Milk ở San Francisco.
Một vụ án nữa cũng rất nổi tiếng là vụ nghị sĩ Daniel Sickles bắn chết Phillip Barton Key, thành viên của Đảng Xã hội. Daniel Sickles là một tướng của quân đội Liên minh, đã chiến đấu nhiều năm trong cuộc nội chiến. Những năm sau đó, Sickles trở thành Đại sứ Tây Ban Nha, làm Cảnh sát trưởng của New York, được bầu vào Quốc hội năm 1893 và sau đó được tặng huân chương danh dự. Nhưng điều khiến Sikles được nhiều người nhớ và nhắc đến lại không phải những thành tích mà ông đạt được mà bởi chính hành động giết người của mình.
Theo Sikles, vì thấy Phillip Key đang cố nhìn vào cửa sổ nhà ông, nơi vợ ông đang ngủ và trước đó đã nghe đồn Phillip Key có tình ý với vợ mình đã lâu nên đột nhiên tức giận. Sickles đã lôi súng ra chạy tới chỗ Phillip hét lên “Mày phải chết” rồi bắn ba phát khiến Phillips chết ngay tại chỗ. Có ít nhất 12 người chứng kiến vụ việc này. Nghị sĩ Daniel Sikles đã bị bắt không lâu sau đó tại nhà một người bạn và bị buộc tội “Giết người cấp độ 1”.
Minh họa phiên tòa xét xử Sickles trên tạp chí Harpers
Tại tòa, luật sư của Skiles đã bào chữa rằng hành động không kiểm soát được của Sickles lúc đó chính là dấu hiệu của tâm thần. Được bảo vệ bởi một lý do mặc dù rất thuyết phục nhưng thiếu thực tế, Sickles đã thoát được tội “Giết người” và được thả tự do sau khi được bào chữa là có dấu hiệu tâm thần. Công lý dường như không thể xuất hiện trong vụ án này. Tới 12 người làm chứng cho vụ án nhưng hung thủ vẫn thoát tội. Sickles trở thành bị cáo nổi tiếng nhất nước Mỹ thời đó.
Ngày 30/3/1981, John Hinckley bắn Tổng thống Ronald Reagan và một số phụ tá của ông. Ngày 4/5/1982, phiên tòa xét xử John Hinkley kéo dài tới tận 7 tuần đã được mở. Tại phiên tòa, rất nhiều bác sĩ tâm thần đã đứng ra làm chứng bảo vệ cho Hinckley. Hinkley được tuyên vô tội với lý do bị tâm thần. Sau đó, Hinkley được gửi đến một bệnh viện tâm thần ở Washington để điều trị đặc biệt. Trường hợp trắng án của Hinkley gây nên một cú sốc lớn tới các tòa án liên bang. Làm thế nào để một kẻ bắn Tổng thống trước sự chứng kiến của hàng triệu người lại có thể thoát án?
Luật M’Nagthen
Năm 1843, Daniel M’Nagthen đã giết chết Edward Drummond, thư ký riêng của thủ tướng Anh, ông Robert Peel ở London. Theo luật sư của Daniel M’ Nagthen, hắn hành động với suy nghĩ hắn đã giúp Thủ tướng khi thư ký của ông có ý đồ chống lại ông. Tại phiên tòa xét xử Daniel M’ Nagthen, luật sư của Daniel M’ Nagthen đã đưa ra lời bào chữa cho rằng, Daniel M’ Nagthen “nên" được thả tự do vì hắn thực sự là một kẻ điên và không hiểu mình đang làm gì. Sau những nỗ lực bào chữa của luật sư, Daniel M’ Nagthen bất ngờ đươc tuyên trắng án.
Cuối năm 1843, sau phiên tòa xét xử Daniel M’ Nagthen, Thượng viện đã ban hành một quyết định mới về những vấn đề liên quan đến các bị cáo có tiền án về bệnh tâm thần, người ta biết tới nó với tên gọi "Luật M'Naghten". Nội dung của “Luật M’Naghten” như sau: Để được bảo vệ với lý do mắc chứng tâm thần, cần phải chứng minh cụ thể điều đó bằng các giấy tờ đáng tin cậy. Thời điểm một người được cho là tâm thần cần có xác nhận về những việc họ làm có thể hiện điều đó. Trong thời gian gần thời điểm xảy ra án mạng. Họ đã làm những gì và không thể ý thức được như thế nào... Quyết định này đã trở thành một tiêu chuẩn trong suốt hơn một thế kỷ tại những phiên tòa có liên quan đến những bệnh nhân tâm thần.
Từ sau khi “Luật M’Naghten” ra đời, rất ít những trường hợp thoát tội một cách bất ngờ vì điên như trước khi cảnh sát yêu cầu phải có giấy xác nhận họ bị điên trước thời điểm gây án một năm. Bên cạnh sự cần thiết khi ra đời của nó, các quy định trong luật này không tránh khỏi những chỉ trích. Theo một số học giả, những quy định là quá cứng nhắc, không bỏ qua bất kỳ hành vi phạm tội nào ngoại trừ những hành vi liên quan đến bệnh tâm thần. Nhiều người cho rằng các quy định nên linh hoạt hơn.
Năm 1886, một số tiêu chí trong việc "bảo vệ" các bị cáo tâm thần được bổ sung. Tòa án quyết định, bị cáo có thể đưa ra lý do hành động gây án của mình liên quan đến vấn đề tâm thần nếu họ và luật sư của họ chứng minh được rằng do vấn đề tâm thần đã cưỡng ép hành động khiến họ không nhận biết được điều đó đúng hay sai.
Minh họa phiên tòa xét xử Sickles trên tạp chí Harpers
Viện Luật pháp Mỹ (ALI) nghiên cứu và đưa ra Bộ luật Hình sự vào năm 1970, được thông qua bởi một số bang, với mong muốn giải quyết những “xung đột” trong những vụ xét xử các bị cáo tâm thần. Theo đó, một bị cáo sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu tại thời điểm thực hiện hành vi, hành vi được cho là kết quả của dấu hiệu tâm thần hay thiểu năng.
Cuối thế kỷ 19, thời kỳ bùng nổ của khoa học cũng tạo nên những thay đổi lớn trong việc xác định tiền án về bệnh tâm thần tại các phiên tòa. Các luật sư và thẩm phán đều cố gắng tìm cho mình những lý lẽ tốt nhất dựa trên nghiên cứu khoa học để bảo vệ thân chủ của mình.
Việc bào chữa cho những người có dấu hiệu tâm thần đã gây nên mâu thuẫn, bất đồng giữa các bác sĩ, luật sư và trong công chúng. Người ta hiểu rằng các bị cáo đang lạm dụng những kết quả liên quan đến bệnh tâm thần để hòng thoát khỏi tội “Giết người”.
Phản đối đòi bãi bỏ những điều luật bảo vệ bị cáo bị tâm thần
Năm 1970, một vụ án đặc biệt gây tranh cãi đã xảy ra tại thành phố New York. Vào ngày lễ Tạ ơn năm đó, Robert Torsney và đồng nghiệp của mình nhận được điện từ cấp trên điều tham gia một vụ án. Đối tượng là một thanh niên 15 tuổi tên là Randolph Evans. Theo thông tin ban đầu, Evans có mang theo súng. Ngay khi tiếp cận Evans, Robert Torsney đã rút súng bắn Evans chết tại chỗ. Torsney bị bắt ngay sau đó vì cấp trên nhận thấy có sự bất thường khi Torsney ra tay quá nhanh. Torsney bị đưa ra tòa xét xử về tội “Giết người”. Tiến sĩ Daniel Schwartz, giám định pháp y tâm thần tại trung tâm nghiên cứu King đã được đề nghị để kiểm tra Torsney trong vụ án này. Sau khi kiểm tra Torsney 3 lần, tiến sĩ Daniel kết luận Torsney đã nổ súng bắn Evans trong cơn động kinh “thuyết Penfield”. Torsney là một trường hợp hiếm gặp mắc phải căn bệnh này. Tại phiên tòa xét xử, dưới sự “bảo vệ” của Tiến sĩ Daniel, Torsney được tuyên không có tội do hành vi phạm tội có liên quan đến tâm thần và được trả tự do ngay sau đó. Nhiều năm sau khi thoát án, việc Torsney sống, hoạt động hoàn toàn bình thường đã khiến cho nhiều người thắc mắc liệu Torsney có thực sự bị bệnh như Tiến sĩ Daniel kết luận tại tòa.
Vấn đề ngay lập tức được được đặt ra là liệu những bác sĩ tâm lý, những người trực tiếp đưa ra kết luận bị cáo có dấu hiệu tâm thần tại các phiên tòa có thực sự khách quan khi đưa ra kết luận tại phiên tòa? Luật sư và các bác sĩ tâm thần đã dựa vào những thiếu sót, những kẻ hở của pháp luật để tạo nên một bị cáo vô tội tại tòa.
Rất nhiều người kêu gọi bãi bỏ những những điều luật được áp dụng cho bị cáo có liên quan đến bệnh tâm thần bởi người ta cho rằng khi phạm tội nghiêm trọng, hung thủ dù bất kể là ai cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cho hành vi của mình. Trước những ý kiến phản đối đó, 39 bang nước Mỹ đã có hàng chục sự thay đổi. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, việc thống nhất ý kiến của tất cả các bang trong trường hợp bị cáo mắc chứng tâm thần vẫn chưa thể đưa ra những điều luật hoàn hảo.