Việc lấy bằng thật, sửa thành tên của mình rồi sử dụng bằng đó để đi học tiếp là hành vi trái với quy định pháp luật.
“Tôi cùng Nguyễn Đại Tước cùng làng, Tước học đến lớp 5 thì bỏ học, còn tôi học và tốt nghiệp lớp 7. Bạn học cùng và người trong làng ai cũng biết. Tước vào ngành công anh và mượn bằng tốt nghiệp của tôi rồi sửa Nguyễn Đại T. thành Nguyễn Đại Tước. Và từ đó trong ngành công an, Tước học thêm bổ túc cấp 3, Đại học luật từ xa, thanh tra viên và các khóa học của ngành. Hiện tại, Tước đã về hưu và chờ lấy sổ hưu.” Xin hỏi theo quy định pháp luật thì hành vi mượn bằng của Tước có vi phạm pháp luật không? Nếu vi phạm thì hình thức xử phạt ra sao?
Nguyễn Đại Tước (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội)
Ảnh minh họa
Trả lời:
Theo như bạn trình bày thì bằng tốt nghiệp cấp 2 của bạn là bằng thật và bạn Nguyễn Đại T. đã có hành vi đổi tên trên bằng tốt nghiệp đó của bạn thành tên của Nguyễn Đại T. để sử dụng bằng đó. Việc lấy bằng thật, sửa thành tên của mình rồi sử dụng bằng đó để đi học tiếp là hành vi trái với quy định pháp luật.
Hành vi cán bộ công chức, viên chức sử dụng bằng giả tùy theo tính chất mức độ sẽ bị như xử lý kỉ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể như sau:
Thứ nhất: Bị xử lý kỉ luật
Căn cứ nghị định số 34/2011/NĐ-CP và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP cán bộ, công chức viện chức sử dụng bằng giả thì bị xử lý kỉ luật như sau:
- Đối với công chức, viên chức: Công chức, viên chức có hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thì bị xử lý kỷ luật với hình thức Buộc thôi việc.
Riêng đối với trường hợp sử dụng bằng giả để học ở bậc học cao hơn thì bị xử lý với hình thức là đuổi học (nếu chưa học xong) hoặc hủy bỏ kết quả học tập, bằng (nếu đã học xong). Bên cạnh đó, việc sử dụng bằng cấp 2 của người khác sau đó tẩy xóa thành bằng cấp 2 của mình và sử dụng bằng cấp 2 đó có nghĩa là đã lừa dối trường học để được nhận vào học, khi bị phát hiện sẽ bị tịch thu lại bằng và không được công nhận kết quả học tại trường.
Trường hợp, Nguyễn Đại T. là đảng viên thì có thể bị xử lý kỉ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng, căn cứ tại Điều 11 Quy định số 102/QĐ-TW/2017 về việc xử lý kỉ luật đảng viên vi phạm.
Thứ hai: Bị xử phạt hành chính
Căn cứ tại Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp quy định về mức xử phạt với hành vi sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp. Thì trường hợp công chức có hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp bị tẩy, xóa, sửa chữa mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra còn bị tịch thu các giấy tờ không hợp pháp đã sử dụng hoặc trả lại cho người đứng tên trong văn bằng.
Tuy nhiên, việc Nguyễn Đại T. là cán bộ, công chức đã nghỉ hưu thì pháp luật hiện hành chưa có quy định điều chỉnh vấn đề này. Do đó, cần nghiên cứu, bổ sung quy định về việc xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác tại Luật Cán bộ, công chức để đồng bộ với kỷ luật về Đảng.
Bên cạnh đó, quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm đến khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức là quá ngắn, không bảo đảm tính nghiêm khắc đối với việc xử lý cán bộ, công chức có hành vi vi phạm. Một số trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về Đảng (hoặc đã bị xử lý hình sự nhưng cho hưởng án treo) khi xét kỷ luật theo quy định của luật thì đã hết thời hiệu.
Nhận thấy sự cần thiết sửa đổi nội dung trên thì dự thảo luật bổ sung một khoản vào 78 của luật hiện hành về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ:
"5. Cán bộ sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác và đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật về Đảng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm".
Tương tự, điều 79 quy định các hình thức kỷ luật đối với công chức cũng bổ sung nội dung: "Công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác và đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật về Đảng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Cách chức chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm".
Dự thảo luật cũng quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là 60 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm thay vì 24 tháng như luật hiện hành. Đối với các hành vi vi phạm đặc biệt thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỉ luật
Mặt khác, dự thảo Thông tư quy định việc xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân (CAND). Dự thảo Thông tư này gồm 4 chương 23 điều và phụ lục kèm theo. Theo phụ lục, nếu cán bộ, chiến sĩ CAND vi phạm vào những trường hợp dưới đây thì kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu CAND hoặc buộc thôi việc đối với công an:
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, học bạ và các loại giấy tờ khác không hợp pháp để đủ điều kiện dự thi vào các học viện, trường Công an nhân dân hoặc xét tuyển công dân vào Công an nhân dân hoặc xét tuyển công dân tham gia nghĩa vụ trong Công an nhân dân;
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp nhiều lần, ở nhiều lĩnh vực, tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến đến uy tín của ngành;
- Trực tiếp tham gia hoặc tiếp tay cho việc sản xuất, tiêu thụ hoặc môi giới tiêu thụ phôi văn bằng, phôi chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp;
- Tổ chức thi thuê, thi hộ.