Mua nợ xấu rồi nhưng bán ra sao” là băn khoăn được đại diện Công ty Quản lý Tài sản Các tổ chức Tín dụng Viêt Nam (VAMC) nêu ra tại buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước hôm 11/8.
Ông Đoàn Văn Thắng - Phó tổng giám đốc VAMC. Ảnh: SBV
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Đoàn Văn Thắng - Phó tổng giám đốc VAMC cho biết tính đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016.
Theo số liệu do các tổ chức tín dụng và VAMC báo cáo, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59,71 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, bán nợ cho VAMC (8,88 nghìn tỷ đồng), khách hàng trả nợ (30,98 nghìn tỷ đồng), sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu (7,24 nghìn tỷ đồng).
Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho biết vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu của VAMC hiện nay nằm ở thị trường mua bán nợ xấu. Theo quy định, việc bán nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước chỉ thực hiện bán nợ cho các đơn vị có chức năng kinh doanh nợ xấu. Điều này là một hạn chế cho VAMC.
Liên quan việc xử lý nợ xấu hiện nay, chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã thẳng thắn nhìn nhận xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. VAMC mới xử lý được 32.400 tỷ đồng trong tổng số 241.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%).
Theo đại diện VAMC, hiện nay, dịch vụ mua bán nợ xấu chỉ được thực hiện tại các doanh nghiệp Nhà nước có chức năng mua nợ xấu như VAMC, Công ty Mua bán nợ DATC của Bộ Tài chính và 28 Công ty Xử lý nợ (AMC) của các ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động mua lại nợ xấu của 28 AMC này là hạn chế nên như vậy hầu như chỉ còn VAMC và DATC. Và tất cả đang hy vọng Nghị định 69/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đi vào cuộc sống, các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nợ xấu sẽ phát triển.