Sáng ngày 11/8, Ban Chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai đã có báo cáo nhanh về tình hình mưa lũ trên địa bàn cả nước. Trong đó, chỉ tính riêng Tây Nguyên và Nam bộ đã có 10 người chết, 1 người mất tích; 5 người bị thương. Thiệt hại tài sản hơn 1.000 tỉ.
Theo đó, tại Thủy điện Đăk Kar, khoảng 5.000 người dân thuộc tỉnh Bình Phước được di dân trước đây đã về trở lại. Mực nước hồ đang giảm, đến 6h30 11/08 mực nước hồ ở +473,73m (thấp hơn cao trình đỉnh đập 6,77m, dưới cao trình MNDBT 1,27m), giảm 4,27m so với thời điểm mực nước cao nhất và 2,22m so với sáng 10/8. Cửa tràn bên trái đã nâng được 0,8m/8,5m, cửa tràn bên phải đã nâng được 0,6m/8,5m.
Số người tử vong gồm 10 người ở các tỉnh: Gia Lai: 01 người; Đắk Lăk: 01 người; Đắk Nông: 05 người; Kom Tum: 02 người; Lâm Đồng: 01 người. Người bị mất tích: 01 người (Đồng Nai) và 05 người bị thương (Đăk Lắc:01 người, Lâm Đồng: 04 người).
Các hồ thủy điện Đăk Kar ở Đăk Nông đến nay đã khắc phục xong sự cố.
Về nhà ở: 3.883 nhà bị ngập nước (Đắk Lắk: 1079 nhà; Đắk Nông: 60 nhà; Bình Phước: 04 nhà; Đồng Nai: 32 nhà; Bình Thuận: 252 nhà; Gia Lai: 26 nhà; Lâm Đồng: 2.430 nhà); 1.437 nhà phải di dời (Đồng Nai: 869 nhà; Lâm Đồng: 548 nhà; Đắk Lắc: 20 nhà).
Về nông nghiệp: 20.976ha lúa, hoa màu bị ngập; 1.069ha cây trồng lâu năm, 2.582ha cây trồng hàng năm, 1.083ha cây ăn quả bị thiệt hại; 299 con gia súc, 120.741 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Cùng với đó, giao thông, thủy lợi và thủy sản cũng thiệt hại hết sức nặng nề. Theo Ban chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai ước tính, tổng thiệt hại 1.002 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), đến sáng nay đã không còn mưa, nước đã rút chỉ còn ngập lụt ở một vài điểm thấp trũng, các hộ dân đã trở về nhà.