Theo tổng hợp từ Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các địa phương, tính đến sáng nay 8-9, mưa lũ tại các tỉnh miền Bắc đã cướp đi sinh mạng của 15 người, tổng thiệt hại ước tính 441 tỷ đồng.
Trong số những người tử nạn, tại Thanh Hóa có 5 người, Nghệ An 4 người, Hà Tĩnh 2 người, Yên Bái 2 người, Ninh Bình và Phú Thọ mỗi tỉnh có 1 người chết. Lũ cuốn trôi 1 người ở Yên Bái hiện vẫn chưa tìm thấy.
Ngoài ra, vụ sạt lở lở đất khu vực bãi thải khai thác quặng tại huyện Mù Căng Chải (Yên Bái) đã làm 14 người chết, 4 người mất tích.
Mưa lũ cũng đã làm sập đổ và cuốn trôi 103 căn nhà của người dân Thanh Hóa và Nghệ An; làm ngập 7.554 căn nhà khác tại Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Hiện đã có 32.283 ha lúa và 13.697 ha rau màu của người dân 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh bị ngập, thiệt hại, 2.519 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập.
Người dân bơi trong nước lũ.
Nhiều khu vực ở huyện Lang Chánh (Thanh Hoá) vẫn còn bị chia cắt bởi nước lũ.
Trong số những tỉnh bị ảnh hưởng bởi mưa lũ thì Thanh Hoá là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Do ảnh hưởng của mưa lũ những ngày qua, nhiều điểm trên tuyến đê Trung ương chạy dọc sông Chu bị sạt lở nghiêm trọng. Tại km 19+800, đoạn chạy qua địa bàn xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân xuất hiện vết nứt cung sạt dài hơn 50m. Ngay sau khi xảy ra sự cố, chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành gia cố, khắc phục bước đầu để không cho nước ngấm vào thân đê qua vết nứt.
Nhiều điểm sạt lở mái đê tả Sông Chu tại xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa.
Tại huyện Thọ Xuân, đến chiều qua 7-9, nhiều xã trên địa bàn vẫn ngập chìm trong nước như Quảng Phú, Xuân Tín. Đê bao xã Quảng Phú tràn đê dài gần 5km, chia cắt xã Quảng Phú thành hai khu vực biệt lập. Từ 24 giờ ngày 6-9 đến 2 giờ ngày 7-9 đã vỡ 3 đoạn đê với chiều dài 150m gây ngập úng gần như toàn bộ thôn Thống Nhất với khoảng 500 hộ dân.
Huyện Nông Cống ngập toàn bộ hơn 1.500 lúa mùa đang trong thời kỳ làm đòng. Hàng trăm hộ dân ở các thôn xóm ngoài đê bị nước lũ cô lập. Theo thống kê sơ bộ, số nhà bị sập, cuốn trôi tại tỉnh Thanh Hoá là 45 cái, hơn 1.700 nhà bị ngập; gần 9.300 ha lúa bị ngập;... 22 hồ đập nhỏ bị vỡ. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập, sạt lở, ách tắc giao thông... thiệt hại ước tính trên 412 tỷ đồng...
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, hôm nay 8-9, mưa tại các tỉnh miền Bắc cơ bản chấm dứt nhưng lũ và ngập lụt còn diễn biến phức tạp. Trong khi lũ trên hệ thống sông Mã đã đạt đỉnh và đang xuống chậm thì lũ trung, hạ lưu sông Cả và hạ lưu sông La vẫn đang lên.
Mực nước trên sông Bưởi tại Kim Tân sáng nay ở mức 11,6 m (dưới báo động 3 là 0,4 m); sông Mã tại Lý Nhân 8,94 m (dưới báo động 1 là 0,56 m); sông Cả tại Dừa 22,35 m (dưới báo động 2 khoảng 0,15 m), tại Nam Đàn là 7 m (trên báo động 2 khoảng 0,1m); sông La tại Linh Cảm ở mức 3,74 m (dưới báo động 1 là 0,76 m).
Dự báo sáng mai 9-9, mực nước sông Cả tại Dừa có khả năng lên mức 22,6 m (trên báo động 2 là 0,1 m), tại Nam Đàn lên mức 7,3 m (trên báo động 2 là 0,4 m); sông La tại Linh Cảm lên mức 4 m (dưới báo động 1 là 0,5 m); sông Bưởi tại Kim Tân và hạ lưu sông Mã đều xuống mức báo động 1.
Các chuyên gia khí tượng thủy văn cho biết, sạt lở đất xảy ra ở vùng núi, tình trạng ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An giảm dần nhưng vẫn còn duy trì trong vài ngày tới.
P.Lan (tổng hợp)