Ngày 23-9, tại huyện đầu nguồn Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, lũ đã cuốn sập một đoạn đê bao và tiếp tục tàn phá nhiều tuyến đê bao lúa vụ 3. Ông Nguyễn Hoàng Nam, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Ngự cho biết, mưa lũ đang dâng cao có thể gây sập đê bất kỳ lúc nào.
Đồng Tháp: đê vỡ, 200ha lúa mất trắng
4 giờ sáng 23-9, mưa lũ bất ngờ phá sập 30m đê bao bảo vệ 200ha lúa vụ 3 ở khu 2, xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự. Xã đã đưa một chiếc xáng cạp vào chắn lũ nhưng bị lũ cuốn trôi. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 6 tỷ đồng.
Lũ lên nhanh vùng đầu nguồn trên sông Tiền đi qua tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Thiên Phước
Theo ông Nam, hiện thị xã đang đề xuất hỗ trợ 1 tỷ đồng, thị xã ứng trước 5 tỷ đồng để gia cố đê. Ở mỗi khu đê bao đã được tăng cường 4 chiếc máy Kobe và một xáng cạp hoạt động thường xuyên. Đối với khoảng 300 hộ trong vùng đê bao bị bể, thị xã sẽ đề nghị Chính phủ hỗ trợ theo diện chính sách khi bị rủi ro thiên tai gây ra.
Trước đó, mưa lũ đã làm sạt lở 10ha, buộc chính quyền phải di dời khẩn cấp 21 căn nhà ở tổ 15 và 16, ấp An Thuận, xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Ngành Giáo dục đã quyết định đóng cửa 7 điểm trường học tại huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự.
Do nhiều nơi ngập sâu như ở huyện Thanh Bình, Tam Nông, thị xã Hồng Ngự… nên học sinh đi học cũng gặp nhiều khó khăn. Theo chính quyền địa phương các huyện, thị này cho biết, hiện nay nhiều chủ đò đã chủ động đưa rước các em học sinh và giáo viên miễn phí, góp phần đảm bảo công tác giáo dục luôn được thông suốt.
Hiện, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các huyện tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản, vụ mùa của người dân, đặc biệt bằng mọi cách tránh gây thiệt hại về người.
An Giang: Sạt lở đất bờ sông, khẩn cấp di dời dân
Trong hơn 20 ngày qua đã xảy ra nhiều vụ lở đất bờ sông, nhiều hộ dân phải di dời để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Ngày 21-9, tại xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, sạt lở kéo dài 70 m, sâu vào đất liền 40 m.
Từ ngày 9 đến 15-9, trên địa bàn xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã liên tục xảy ra nhiều vụ sạt lở đất bờ sông Hậu ở nhiều đoạn làm đứt lộ giao thông nông thôn. Lực lượng cứu hộ tại địa phương đã di dời khẩn cấp 21 hộ, hiện còn 38 hộ có nguy cơ bị sạt lở đất tiếp tục, phải di dời.
Gia cố đê bao chống lũ ở đập Tha La, tỉnh An Giang
Lũ về không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn ảnh hưởng rất lớn đến ngành Giáo dục ở các huyện đầu nguồn sông Cửu Long. Trong đó, việc đi lại của các em học sinh gặp rất nhiều khó khăn.
Học sinh vùng lũ An Giang phải đi đò đến trường để bảo đảm an toàn
Theo thống kê của ngành Giáo dục tỉnh An Giang, hiện có khoảng 1.800 học sinh đang học tập ở vùng lũ thuộc địa phận huyện An Phú và Tân Châu. Hiện nay hầu hết các em học sinh đang phải đến trường bằng đò, ghe vì đường sá đã bị lũ cô lập.
Hiện ngành Giáo dục và các huyện chỉ mới trang bị áo, cặp phao cho khoảng một nửa trong số này. Sở GD-ĐT đang kiến nghị khẩn cấp Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh trang bị thêm 500 áo phao, đồng thời kêu gọi các Mạnh Thường Quân hỗ trợ thêm.
Theo dự báo của ngành Khí tượng thủy văn, đến cuối tháng 9, lũ đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng vượt mức báo động 3. Ngoài ra, vùng hạ lưu các sông ở khu vực Nam Bộ sẽ xuất hiện triều cường mức cao. Nhận định của ngành chức năng tỉnh An Giang, Đồng Tháp cho hay, tình hình mưa lũ sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Chính vì thế các địa phương và người dân phải tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống để bảo vệ người và tài sản cũng như sẵn sàng ứng phó với những diễn biến xấu có thể xảy ra.
Thừa Thiên - Huế: hơn 1.700 tàu thuyền trú ẩn an toàn
Mưa lớn trong những ngày qua khiến tuyến Quốc lộ 49 đi huyện miền núi A Lưới (đang thi công sửa chữa) bị sạt lở nhiều điểm, lực lượng cứu hộ phải túc trực 24/24 giờ để ứng cứu, thông đường. Vào trưa 23-9, tại địa bàn xã Hương Nguyên xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới, khiến Quốc lộ 49 bị tắc trong nhiều giờ.
Đến chiều tối, Thừa Thiên - Huế vẫn có mưa lớn trên diện rộng nhưng mực nước các sông vẫn còn dưới báo động 1, riêng sông Ô Lâu trên báo động 1 là 0,4m. Hiện toàn tỉnh còn hơn 900ha lúa hè thu tập trung ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới chưa kịp thu hoạch.
Chiều cùng ngày, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đã kêu gọi được hơn 1.700 tàu cá ngoài khơi vào bờ trú ẩn an toàn.
Miền Trung - Tây Nam bộ đối mặt với lũ lớn
Trong khi khu vực ĐBSCL đang đón đợt lũ được coi là lớn nhất trong vòng 8 năm qua thì miền Trung cũng đối mặt với một đợt lũ lớn.
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, kể từ tháng 9 khu vực miền Trung vào mùa mưa. Ông Hải nhận định mùa mưa năm nay tại miền Trung nhiều hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt trong tháng 10 và 11. Vì vậy, lũ trên các sông miền Trung năm nay sẽ cao hơn so với năm 2010, có thể vượt trung bình nhiều năm.
Ngày 23-9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã phát bản tin cảnh báo lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng vượt mức báo động 2. Nguyên nhân là vùng áp thấp phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa đã gây ra mưa vừa, mưa to đến rất to tại các tỉnh trên trong những ngày qua.
Dự báo trong hai ngày tới sẽ có mưa tiếp tục với lượng phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 200mm. Vì vậy, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2. Riêng các sông ở Thừa Thiên - Huế có khả năng lên mức báo động 3.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương còn cảnh báo khả năng ngập úng, lũ quét, sạt lở đất ở vùng trũng, vùng núi.
P. Lan (tổng hợp)