Biên giới Cao Bằng vào những ngày đầu xuân tê tái trong cái rét ngọt. Trên khắp các đường mòn, lối tắt dẫn đến từng nóc nhà dân bản, hoa đào ngậm sương chúm chím khoe sắc hồng.
Tôi đã từng nghe rất nhiều lần bài hát Chiều biên giới. Thế nhưng, phải đến hôm nay, khi được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp ngây ngất của hoa đào miền biên viễn, tôi mới thực sự cảm nhận hết được ý nghĩa trong từng câu hát: “Em ơi, có nơi nào đẹp hơn, chiều biên giới khi mùa đào hoa nở…”.
Mùa hoa đào vùng cao biên giới
Quả đúng như vậy, chưa thấy nơi nào hoa đào nhiều và đẹp đến thế. Hoa đào có mặt ở mọi nơi, từ đường đi lối lại, nhà dân, cho tới đường biên, mốc giới. Khi tôi cao hứng đặt chân lên đỉnh một ngọn núi cao thì cũng là lúc bóng chiều buông thõng. Phóng tầm mắt ra xa, thấy cỏ cây một màu xanh biếc, dòng sông Nho Quế nước chảy hiền hoà uốn lượn như một dải lụa trắng vắt qua nhiều dãy núi. Những cánh đào ẩn hiện trong mây mù trông giống như những chùm nến lung linh làm sáng bừng cả một vùng biên cương Tổ quốc.
Một cán bộ biên phòng Cao Bằng từng nói với tôi rằng, hoa đào chính là biểu tượng của mùa xuân ở nơi này. Bởi, để có được những ngày xuân bình yên và đẹp đến thế, biên giới Cao Bằng đã trải qua nhiều binh biến loạn lạc, thấm biết bao máu đào của các anh hùng liệt sĩ. Chính vì vậy, khi thực hiện phân giới cắm mốc với quốc gia láng giềng Trung Quốc, lực lượng hai bên đã đồng thuận trồng một cây hoa đào cạnh cột mốc 731/2 ở thôn Pò Rẫy, thị trấn Hùng Quốc để cùng nhau giữ gìn và khẳng định tình hữu nghị giữa hai nước mãi mãi tốt đẹp, vững bền như mùa xuân của đất trời.
Tuần tra giữa mùa Xuân
Chỉ vài hôm trước thôi, khi mùa xuân chưa về gõ cửa, nơi đây cỏ cây héo rũ, vàng úa một màu do vừa trải qua những đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Nhưng, khi đất trời bắt đầu chuyển mình sang năm mới thì mọi thứ khác hẳn, cây cỏ đua nhau đâm chồi nảy lộc khoe màu xanh mơn mởn. Tất thảy cứ như vừa được thay áo mới.
Cũng vì những đợt rét âm độ mà hoa đào ở biên giới Cao Bằng thường nở muộn. Nhưng, cũng chính điều đó lại giúp cho những cây hoa đào giữ được hương sắc lâu hơn, cứ như muốn níu mùa xuân của đất trời.
Tôi đứng ngắm trời đất, ngắm bạt ngàn hoa đào, miệng nhẩm thầm câu hát “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào xanh hơn, như chồi non cỏ biếc, như rừng cây của lá, như tình yêu đôi ta”. Có nơi nào xanh hơn màu xanh biên giới?. Màu xanh ấy, không chỉ là màu xanh của cỏ cây mỗi độ xuân về mà còn là màu xanh áo của những người lính biên phòng đang ngày đêm giữ gìn sự bình yên của biên cương Tổ quốc.
Khi con người và cảnh vật đắm mình trong những giọt mưa xuân, báo hiệu một năm mới với mưa thuận gió hòa, no đủ quanh năm thì cũng là lúc nhà nhà quây quần bên mâm cơm ngày Tết.
Trên miền biên viễn này, trong những ngày Tết không thể thiếu chén rượu nồng. Khi cả gia chủ và khách đều say đất trời thì bên bếp lửa, các chàng trai, cô gái đang tặng nhau những điệu hát then, lượn, những điệu múa giao duyên làm ngây ngất lòng người. Bên ánh lửa bập bùng trong ngôi nhà sàn, đôi mắt cô gái như chứa cả mùa xuân. Còn ngoài kia, hoa đào vẫn bung nở tô điểm cho mùa xuân đất trời và những lễ hội đầu xuân lại bắt đầu rộn ràng, vui vẻ.