Câu chuyện về chiếc váy của một khách hàng mua online đang gây ầm ĩ trên mạng tuần qua cho thấy có rất nhiều vấn đề về cách thức mua đồ thông qua một cú click mà người mua thường hay bỏ quên.
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết năm 2015, tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam đã đạt 52% dân. Số lượng người dùng nói trên bao gồm người truy cập internet ở tất cả các phương tiện hỗ trợ (PC, laptop, điện thoại…). Theo đó, việc bán hàng online cũng thi nhau nở rộ bởi tính tiện dụng khi chỉ cần một cú click chuột là bạn có thể có được món đồ yêu thích được giao tận tay. Nhưng những vấn đề phát sinh cũng từ đây khi mà bạn không được “sờ tận tay, xem tận mắt món” hàng muốn sở hữu.
Hình ảnh chiếc váy trong vụ mua hàng online đang thu hút sự chú ý mấy ngày gần đây
Chính vì những bất cập đó mà đã có nhiều thượng đế “online” dở khóc dở cười với món đồ yêu thích. Đơn cử như sự việc gần đây, một cô gái mua chiếc váy trắng nhưng theo chia sẻ của cô trên mạng xã hội: "chất liệu vải với dáng váy không giống một tí gì luôn". Còn chủ shhop lại bảo khách hàng chưa phối đồ đúng cách. Sau những trao đi, đổi lại thông tin, câu chuyện đến giờ vẫn chưa đến hồi ngã ngũ.
Để tránh rơi vào tình trạng như nữ khách hàng kể trên, trước khi click chuột để quyết định mua một món đồ online, bạn nên lưu ý những vấn đề sau:
Chỉ mua sản phẩm từ các trang web có uy tín
Trước khi quyết định mua sắm online, hãy kiểm tra kỹ thông tin về website đó. Hãy tìm xem các thông tin về địa chỉ, thông tin liên lạc… hoặc tham khảo về uy tín của trang web đó từ Internet. Thường trên những trang website bán hàng uy tín hoặc những diễn đàn có hình thành như chợ online đều có những phản hồi từ khách hàng. Đó là thông tin hữu ích đáng để tham khảo.
Tìm hiểu thông tin về người bán
Những chủ shop bán hàng online hay được những khách hàng phản hồi dĩ nhiên cả tích cực và tiêu cực. Trong một thế giới phẳng, thông tin như thế đều có thể tìm hiểu được nên tốt nhất là bạn nên bỏ chút thời gian tìm hiểu. Ngoài ra những tranh cãi hay cách thức hỏi đáp của chủ shop với khách hàng cũng là một thước đo để bạn nhìn nhận vấn đề. Nếu thấy chủ shop bị nhiều phản hồi không tích cực, tốt nhất là bạn không nên tiếp tục cuộc mua bán để tránh rơi vào tình trạng “mất tiền mua bực vào người”.
Dành thời gian đọc kỹ sản phẩm và chính sách bán hàng
Đôi khi người mua hàng online, đặc biệt là chị em khi mua đồ thời trang chỉ thấy một hình ảnh bắt mắt hay một sản phẩm quần áo ưng ý là đăng ký mua mà bỏ qua công đoạn đọc về chi tiết sản phẩm và các chính sách bán hàng như đổi, trả, tiền công vận chuyền...Những thông tin này rất quan trọng bởi có rất nhiều người đã phải trả thêm tiền phí vận chuyển cho những món hàng “tưởng là miễn phí ship” hay đồ mua về chẳng như hình trên mạng.
Kiểm tra sản phẩm cẩn thận khi nhận được hàng
Nhiều cửa hàng uy tín cho phép khách trả hoặc đổi lại sản phẩm nếu không đúng như hình ảnh hay thông tin được quảng bá, nhầm kích cỡ hoặc hàng nhái...Tuy nhiên cũng có cửa hàng không có chính sách này, khi đó bạn phải rõ các chính sách bán hàng trước khi mua. Khi sản phẩm được giao đến tay, cần phải kiểm tra lại cẩn thận và nếu không ưng ý phải liên hệ ngay với website bán hàng.
Đừng quá ham những món đồ giảm giá
Trên mạng lúc nào cũng tràn ngập những thông tin giảm giá nhìn đầy hấp dẫn nhưng thực tế không phải như vậy. Có rất nhiều chủ cửa hàng đã đẩy giá lên cao để rồi hạ giá nhưng thực chất món đồ đó không hề rẻ. Nếu muốn mua món đồ đó, tốt nhất bạn nên vào kiểm tra lại giá trên chính website của thương hiệu mà bạn định mua. Có những lúc chính các thương hiệu có chính sách khuyến mãi hấp dẫn hơn cả các trang bán lẻ.
Đặc biệt lưu ý khi thanh toán
Việc thanh toán online tuy đơn giản nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc bảo mật, do vậy, hãy đảm bảo chỉ tiến hành các giao dịch trên các trang web uy tín và đã được mã hóa an toàn. Không bao giờ khai báo các thông tin cá nhân trên các máy tính và mạng Internet công cộng để tránh việc bị đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản thẻ tín dụng.