MSB hoàn thành 95% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm

Huyền Phạm| 30/07/2021 11:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngân hàng MSB vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với kết quả kinh doanh tích cực, nợ xấu được kiểm soát tốt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

Tổng thu nhập thuần của Ngân hàng lũy kế 6 tháng đạt hơn 5.300 tỷ đồng, tăng hơn 77% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần 6 tháng (NII) đạt gần 2.900 tỷ đồng, tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm trước với biên lãi thuần (NIM) đạt 3,73% lũy kế 4 quý gần nhất (so với mức 2,96% cùng kỳ). Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của MSB có sự bứt phá mạnh mẽ, đạt gần 2.400 tỷ đồng.

anh-toa-nha-1.jpg

Thu nhập từ lãi tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng với nhu cầu tín dụng trong 6 tháng đầu năm duy trì ổn định. Tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng 15% so với đầu năm đạt hơn 91 nghìn tỷ đồng. Trước những diễn biến không thuận lợi của thị trường chung do dịch Covid-19 bùng phát trong nước, từ đầu năm Ngân hàng cũng tập trung hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ít chịu tác động của dịch bệnh như y tế, giáo dục, năng lượng tái tạo để đảm bảo được nguồn tăng trưởng dài hạn và kiểm soát tốt được nợ xấu. Tại thời điểm 30/6/2021, tỷ lệ nợ xấu của MSB được kiểm soát ở mức 1,6%.

Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng đã kịp thời đưa ra những giải pháp tài chính phù hợp để hỗ trợ cho khách hàng vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong đó, phải kể đến gói tín dụng gần 20.000 tỷ với lãi suất giảm từ 1% - 3% cho khách hàng; thúc đẩy chi tiêu qua thẻ, ngân hàng điện tử (mobile banking, internet banking) đem lại sự thuận tiện và nhiều ưu đãi cho người dùng khi chi tiêu không dùng tiền mặt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Nhờ các chính sách linh hoạt về kênh thanh toán điện tử, MSB có lượng tiền gửi không kỳ hạn trên 24 nghìn tỷ, tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi và ký quỹ khá cao ở mức 28,3% trong quý II/2021, ngân hàng tiếp tục tăng trưởng hướng về mục tiêu 40 nghìn tỷ CASA năm 2023.

Với kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt ở hầu hết các mảng chính, kết thúc quý II/2021, lũy kế MSB đạt được hơn 3.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp hơn 3 lần với cùng kỳ, hoàn thành 95% kế hoạch lợi nhuận của năm 2021. Chi phí được kiểm soát tốt với chỉ số CIR ở mức 33,5%, giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt hơn nhiều so với mức tăng của chi phí hoạt động. Tổng tài sản của ngân hàng tính đến 30/6/2021 cũng đạt hơn 183 nghìn tỷ, tăng 3,6% so với đầu năm, hoàn thành 96% kế hoạch năm. Chỉ số ROAA và ROAE đều khả quan, tương ứng đạt 2,14% và 20,68%.Với lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu của 4 quý gần nhất khoảng 3.361 VNĐ, trên cơ sở mức giá đóng cửa MSB ngày 29/7/2021 đạt 29.200 đồng/cp, chỉ số PE của ngân hàng là gần 8,7 lần, thấp hơn PE trung bình các ngân hàng đang niêm yết.

gd2.jpg

Song song với việc điều hành hoạt động kinh doanh hiệu quả trong giai đoạn nhiều thách thức, MSB cũng đã thực hiện việc quản trị rủi ro chặt chẽ. Sau khi hoàn thành sớm cả 3 trụ cột Basel II, tháng 5 vừa qua, MSB bắt đầu triển khai Basel III trong quản trị rủi ro hoạt động, thị trường và thanh khoản. Nhờ đó, ngân hàng duy trì tốt các chỉ số rủi ro và hệ số an toàn ở mức thận trọng. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) 6 tháng đầu năm của MSB theo Thông tư 41 ở mức 11,64%. 

Cùng vượt qua làn sóng thứ 4 của đại dịch, Ngân hàng vẫn đảm bảo duy trì hoạt động liên tục ở tất cả các điểm giao dịch đồng thời vẫn duy trì thu nhập ổn định cho cán bộ nhân viên cũng như thực hiện đầy đủ các chế độ để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động, khách hàng. Chi phí cho nhân viên của Ngân hàng lũy kế 6 tháng tăng 18%, phần lớn đến từ tăng chi lương, thưởng cho CBNV. Công đoàn Ngân hàng cũng chi thêm hơn 1,1 tỷ đồng để trang bị các vật dụng cần thiết cho nhân viên chống dịch, đồng thời có các khoản chi khác để hỗ trợ  CBNV và người thân nếu thuộc các trường hợp cần thực hiện cách ly do Covid. Bên cạnh đó, MSB cũng ra sức chung tay cùng hỗ trợ cộng đồng trong cuộc chiến chống đại dịch bằng hành động kịp thời và thiết thực như ủng hộ hơn 50 tỷ đồng cho quỹ phòng chống Covid, kêu gọi cán bộ nhân viên ủng hộ hơn 870 triệu đồng cho các khách hàng, gia đình chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid tại Bắc Ninh, Bắc Giang. 

Với những kết quả tích cực trong hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm, MSB đang tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt để sớm hoàn thành mục tiêu năm 2021 và các mục tiêu dài hạn hơn. Ngân hàng hướng tới việc chuyển đổi số toàn diện vào năm 2024 và đang trong lộ trình triển khai các dự án chiến lược như thay mới Core-banking và xây dựng “Nhà máy số” để số hóa hành trình trải nghiệm khách hàng. Dự án "Nhà máy số" đang được MSB đầu tư bài bản cả về tài chính và nguồn nhân lực, là dự án trọng điểm của năm 2021 với lộ trình đến 2023 sẽ đem lại những sản phẩm đầu tiên với mức kỳ vọng đem lại nguồn thu 500 tỷ đồng/năm cho ngân hàng.

Về MSB

Thành lập năm 1991, MSB ra đời trong thời kỳ kinh tế mở cửa và phát triển của Việt Nam. Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, ngân hàng không ngừng vươn lên, tạo lập nhiều cột mốc quan trọng trong ngành tài chính ngân hàng.

MSB hiện có trên 260 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và có giao dịch với hơn 500 ngân hàng đại lý tại trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đội ngũ gần 5.000 cán bộ, phục vụ gần 2,4 triệu khách hàng cá nhân và 57.000 khách hàng doanh nghiệp.

Thông tin chi tiết xem tại website: www.msb.com.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
MSB hoàn thành 95% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm