Một số ý kiến về việc thực hiện 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử

Lan-Đỉnh-Thoa| 18/01/2018 06:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2018 vừa qua, đại diện các Tòa án đã thảo luận về 14 giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử, trong đó đã đề cập đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các loại vụ án hiện nay.

Một số ý kiến về việc thực hiện 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử

Buổi thảo luận tổ của Tòa hành chính TAND cấp cao tại Hà Nội

Cần đổi mới công tác thi đua, khen thưởng

Việc nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án các cấp là mục tiêu hết sức quan trọng của cải cách tư pháp. Trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Nghị quyết đã đề ra, lãnh đạo TANDTC đã chủ động đề ra nhiều giải pháp rất cụ thể và tổ chức thực hiện quyết liệt trong toàn hệ thống. Để nâng cao chất lượng công tác xét xử, TANDTC đã đưa ra 14 nhóm giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; công khai bản án, quyết định của Tòa; đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; công tác thi đua - khen thưởng...

Qua quá trình thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với chủ trương và việc ban hành 14 giải pháp đã đề ra, đồng thời cũng nêu lên một số những khó khăn, vướng mắc nhất định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Thẩm phán Nguyễn Lương Thuận, TAND cấp cao tại Hà Nội cho rằng, công tác thi đua có nhiều đổi mới, đặc biệt không chỉ khen thưởng cho cán bộ quản lý mà cần mở rộng khen thưởng với cả những người làm công tác chuyên môn để khuyến khích. Bên cạnh đó, cần có những cải cách trong công tác thi đua khen thưởng. Theo đó, nên tập trung xem xét các hoạt động chuyên môn của các Thẩm phán cũng như của Thẩm tra viên và Thư ký. Nếu ai có thành tích xuất sắc, hoạt động lâu năm có đủ các tiêu chuẩn, thành tích nên thì khen thưởng bằng các hình thức thích hợp để khuyến khích.

Theo Thẩm phán Nguyễn Xuân Hùng, TAND cấp cao tại Hà Nội, Hội nghị triển khai công tác Tòa án 2018 vừa diễn ra bằng hình thức trực tuyến, lần đầu tiên, tất cả những người có chức danh tư pháp từ cấp huyện đến tỉnh… đều được dự. Qua đó nắm bắt trực tiếp tinh thần mà các lãnh đạo TANDTC truyền đạt đến, biết được những hạn chế tồn tại trong năm 2017, để 2018 phấn đấu bám sát nhiệm vụ trong chương trình hành động mà TANDTC đã đưa ra.

Yêu cầu đặt ra đối với Tòa án ngày càng nặng nề, để đảm bảo chính xác công việc được giao, giải quyết án đúng thời hạn, chất lượng bản án ngày càng cao, ông Hùng cho rằng, cần phải bổ sung thêm nhân sự để làm việc. Vì hiện nay, TAND cấp cao đang thiếu rất nhiều Thư ký Tòa án. Cùng với đó cần bổ sung thêm kinh phí hoạt động, nhất là kinh phí tống đạt văn bản tố tụng. Trong khi Tòa cấp cao phải xét xử dàn trải trên nhiều tỉnh thành, không có thừa phát lại nên công văn triệu tập phát đi không biết nhận được hay không, dẫn đến việc phải hoãn phiên tòa…

Cần sự phối hợp trong giải quyết án hành chính

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, thực hiện theo 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử cần dựa trên tính chất, đặc điểm của Tòa cấp cao, khác với các Tòa cấp tỉnh là địa bàn rộng, trải dài 28 tỉnh phía Bắc, từ Hà Tĩnh trở ra. Vì vậy cần nghiên cứu những để đưa ra những giải pháp mang tính tích cực và thiết thực hơn.

Về tống đạt, theo quy định của các luật về tố tụng mới có hiệu lực, phải cấp giao, chuyển trực tiếp văn bản tố tụng đến người nhận. Nhưng trên thực tế, có những nơi gần có thể thực hiện được, còn nơi xa như ở Tòa cấp cao không thể đi đến các tỉnh để tống đạt, mà phải gửi bằng đường công văn. Trong tố tụng cũng quy định có thể gửi qua đường bưu điện, nhưng cách làm của bưu điện đơn giản, không làm theo nghiệp vụ và yêu cầu của tố tụng là đúng đối tượng cần phải triệu tập tống đạt, hoặc phải là người thân thích ký nhận. Dẫn đến tình trạng ra Tòa, đương sự bảo không phải chữ ký hoặc không phải người nhà, nên phải hoãn phiên tòa, sẽ rất tốn kém, lãng phí cả tiền bạc và thời gian.

Điểm vướng mắc nữa là trong tống đạt văn bản tố tụng, luật không quy định UBND xã là người phải chịu trách nhiệm tống đạt giấy tờ tố tụng, mà chỉ là người thực hiện các yêu cầu của Tòa. Các Tòa cấp cao vẫn nhờ Tòa án cấp huyện, tỉnh giúp tống đạt giấy tờ nhưng chỉ là trên thần tương trợ và về nguyên tắc họ không có nghĩa vụ phải làm việc này. Vì vậy đề nghị TANDTC và các cơ quan quản lý hành chính ra những văn bản hướng dẫn kịp thời vấn đề này.

Khó khăn nữa được các Thẩm phán chỉ ra là luật sư bào chữa cho những vụ án chỉ định. Những địa phương có Đoàn luật sư ngay trong tỉnh thì có thể dễ dàng có luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, nhưng nếu vụ án Tòa cấp cao xét xử ở Hà Nội thì việc mời luật sư tham gia phiên tòa rất khó khăn, chi phí tăng lên. Vì vậy, hàng năm nên có gặp gỡ trao đổi với Đoàn luật sư 28 tỉnh phía Bắc để bàn biện pháp phối hợp để phiên tòa không bị hoãn, đảm bảo yêu cầu CCTP đề ra.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng cần quan tâm, cất nhắc bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, trung cấp ở Tòa án các cấp. Vì có nhiều người làm công tác Thư ký đã 14-15 năm, phấn đấu có đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán thì cần quan tâm, bổ nhiệm. Đây là những giải pháp vừa giải quyết vấn đề tính kế thừa và đặc biệt là giải quyết vấn đề chính sách, chế độ cho những người có thời gian công tác, cống hiến cho ngành.

Liên quan đến việc giải quyết án hành chính, nhiều Thẩm phán nêu những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Đó là thủ tục uỷ quyền tham gia tố tụng. Theo Luật TTHC 2015, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được uỷ quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người bị kiện trong các vụ án hành chính đều là UBND các cấp, vì vậy đại diện theo pháp luật là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh.

Trên thực tế, đại diện theo pháp luật đều có văn bản uỷ quyền cho cấp phó tham gia tố tụng nhưng các cấp phó lại có văn bản xin được xét xử vắng mặt với lý do bận công việc. Việc xin xét xử vắng mặt không trái quy định pháp luật nhưng đã gây khó khăn cho công tác giải quyết án (không làm rõ được các nội dung liên quan đến việc khởi kiện, không đối thoại để thoả thuận được và trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện cũng phải được sự đồng ý của người bị kiện…), làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án và gây tốn kém thời gian, công sức và chi phí của việc giải quyết…

Thẩm phán Nguyễn Văn Cường, Chánh Tòa hành chính TAND cấp cao tại Hà Nội cho biết, theo quy định, Chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền cho cấp phó làm đại diện. Nhưng hiện nay đối với người bị kiện (hầu như đối với tất cả 28 tỉnh thành phía Bắc) là thường hay đề nghị xét xử vắng mặt, tham gia phiên tòa rất là ít, nhiều tỉnh hầu như không đến.

Tuy nhiên, vẫn có một số địa phương làm rất tốt như huyện Vụ Bản (Nam Định) có đồng chí Phạm Văn Mậu, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Vụ Bản, tham gia tất cả phiên xét xử. Ngoài ra, ông Mậu còn nhận các giấy báo của Tòa, tới giao trực tiếp giao cho các đương sự, đồng thời giải thích cho đương sự biết nhận thức về pháp luật cho đúng đắn… Có thể nói đây là một biện pháp rất tích cực, vì ông vừa tham gia phiên tòa vừa giải thích pháp luật, phối hợp, hòa giải với nhân dân, đảm bảo cho vụ án tránh trường hợp kéo dài, tu tập đông người. Số lượng án hành chính (phúc thẩm) ở huyện Vụ Bản hầu như đều được giải quyết, cho đến nay rất nhiều người rút đơn khởi kiện.

 Các ý kiến cho rằng cần tăng cường phối hợp với UBND các cấp trong công tác này. Đó là thông báo về kế hoạch thụ lý, xét xử các vụ án hành chính để lãnh đạo các UBND nắm được phân công người tham dự phiên tòa, hoặc đăng ký tham dự phiên tòa bằng văn bản… Như vậy sẽ thuận lợi cho hai bên trong công việc giải quyết, xét xử án, kể cả khi Tòa có yêu cầu giao nộp, tiếp cận công khai các chứng cứ rất là thuận lợi. Điều đó giúp Tòa đẩy nhanh tiến độ giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số ý kiến về việc thực hiện 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử