Một số vướng mắc trong giải quyết án lao động

Bùi Thị Dung Huyền (Trưởng phòng Phòng NCPL dân sự, thương mại Viện Khoa học xét xử TANDTC)| 06/05/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của pháp luật liên quan đến việc khởi kiện vụ án dân sự của cơ quan BHXH, ngày 21/9/2011, TANDTC đã ban hành Công văn số 143 về một số vấn đề liên quan đến việc khởi kiện vụ án dân sự của cơ quan BHXH.

Tuy nhiên, vẫn phát sinh nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau liên quan đến giải quyết tranh chấp do cơ quan bảo hiểm xã hội khởi kiện…

Về quyền khởi kiện của cơ quan bảo hiểm xã hội

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, đồng tình với hướng dẫn tại Công văn số 143/TANDTC-KHXX nêu trên, theo đó việc khởi kiện yêu cầu người sử dụng lao động đóng tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động của cơ quan bảo hiểm xã hội, tại Công văn số 143/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 của TANDTC hướng dẫn một số vấn đề liên quan đến việc khởi kiện vụ án dân sự của bảo hiểm xã hội đã xác định: Cơ quan bảo hiểm xã hội khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước theo lĩnh vực mình phụ trách không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí. Căn cứ hướng dẫn của Công văn này là quy định tại điểm b khoản 2 Điều 151 Bộ luật Lao động (BLLĐ), Điều 256 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005, Điều 1 Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bảo hiểm xã hội Việt Nam thì cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền yêu cầu người sử dụng lao động nộp tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 90 Luật Bảo hiểm xã hội thì Quỹ bảo hiểm xã hội được sử dụng để trả chế độ bảo hiểm cho người lao động, có nghĩa là để bảo vệ lợi ích của người lao động nói chung.

Một số vướng mắc trong giải quyết án lao động

Chi trả bảo hiểm xã hội (Ảnh minh họa)

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ngày 3/12/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS, khoản 2 Điều 8, Điều 106 Luật Bảo hiểm xã hội thì cơ quan bảo hiểm xã hội là tổ chức sự nghiệp của Nhà nước, chứ không phải là cơ quan Nhà nước, không có chức năng quản lý Nhà nước mà chỉ được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý quỹ, thực hiện chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội. Do đó, Cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ có quyền khởi kiện với tư cách là một chủ thể thông thường khi tham gia quan hệ pháp luật về bảo hiểm xã hội; không có quyền khởi kiện vụ án để bảo vệ lợi ích công cộng.

Về hòa giải khi giải quyết vụ án của cơ quan bảo hiểm xã hội

Về việc cơ quan bảo hiểm xã hội khởi kiện yêu cầu người sử dụng lao động đóng tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động có thuộc trường hợp vụ án dân sự không được hòa giải theo quy định tại khoản 1 của Điều 181 BLTTDS hay không?

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, xét về nguồn gốc, thì quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần. Tuy nhiên, khi được đưa vào quỹ bảo hiểm xã hội, thì quỹ bảo hiểm xã hội trở thành quỹ tài chính tập trung, do nhà nước quản lý, quyết định việc sử dụng, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội theo qua hệ thống cơ quan bảo hiểm xã hội (Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu, thông qua Bộ Tài chính và Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội). Vì vậy, Quỹ bảo hiểm xã hội phải được coi là tài sản của Nhà nước, việc khởi kiện yêu cầu người sử dụng lao động đóng tiền bảo hiểm xã hội là “yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại tài sản của Nhà nước”’ và do đó, Tòa án không được hòa giải.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, theo quy định tại Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội thì:

“Điều 88. Nguồn hình thành quỹ

1. Người sử dụng lao động đóng theo quy định tại Điều 92 của Luật này.

2. Người lao động đóng theo quy định tại Điều 91 của Luật này.

3. Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ.

4. Hỗ trợ của Nhà nước.

5. Các nguồn thu hợp pháp khác”.

Do vậy, quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành chủ yếu từ tiền đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động, người lao động và chỉ được Nhà nước hỗ trợ. Do đó, quỹ bảo hiểm xã hội không phải là tài sản của Nhà nước. Vì vậy, trường hợp Cơ quan bảo hiểm xã hội khởi kiện yêu cầu người sử dụng lao động nộp tiền bảo hiểm cho người lao động không thuộc trường hợp vụ án dân sự không được hòa giải theo quy định tại khoản 1 Điều 181 BLTTDS.

Về xác định tư cách tham gia tố tụng tại Tòa án của cơ quan bảo hiểm xã hội

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, về xác định tư cách tham gia tố tụng tại Tòa án của cơ quan Bảo hiểm xã hội, thì theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì bảo hiểm xã hội tỉnh và bảo hiểm xã hội huyện có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản và trụ sở riêng. Do vậy, tại Công văn số 3833/BHXH-PC ngày 27/9/2013, Công văn số 4178/BHXH-PC ngày 23/10/2013, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng: Bảo hiểm xã hội tỉnh, bảo hiểm xã hội huyện có tư cách khởi kiện, tham gia tố tụng tại Tòa án một cách độc lập. Việc phải có đơn khởi kiện của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc Giấy ủy quyền của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho bảo hiểm xã hội tỉnh khởi kiện là gây khó khăn cho cơ quan bảo hiểm xã hội, vì số lượng các vụ kiện ngày càng gia tăng và thủ tục ủy quyền kháng cáo cũng phức tạp.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, bảo hiểm xã hội tỉnh và bảo hiểm xã hội huyện không có tư cách tham gia tố tụng tại Tòa án vì các lý lẽ sau đây: Tại khoản 3, khoản 4 Điều 84 BLDS năm 2005 quy định: “Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: …3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; 4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập”. Mặc dù, tại Điều 8, Điều 9 Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định: Bảo hiểm xã hội tỉnh và Bảo hiểm xã hội huyện có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản và trụ sở riêng, nhưng tại Điều 5, Điều 6 Nghị định này lại quy định: “Tổng Giám đốc là đại diện pháp nhân của bảo hiểm xã hội Việt Nam, do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Hội đồng quản lý… Tổng Giám đốc làm việc theo chế độ Thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; ban hành quy chế làm việc, chế độ thông tin, báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quy chế đó” và “Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương”. Như vậy, thực chất mọi hoạt động của bảo hiểm xã hội tỉnh, bảo hiểm xã hội huyện đều phải chịu sự điều hành, chỉ đạo của Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảo hiểm xã hội tỉnh, bảo hiểm xã hội huyện không có tài sản độc lập và không tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó (bảo hiểm xã hội tỉnh và bảo hiểm xã hội huyện là cơ quan có tư cách pháp nhân không đầy đủ) nên không có tư cách tham gia tố tụng tại Tòa án.

Để giải quyết các vướng mắc mà cơ quan bảo hiểm xã hội gặp phải, trước mắt có thể hướng dẫn việc khởi kiện của bảo hiểm xã hội tỉnh được thực hiện tương tự như trường hợp văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân thực hiện việc khởi kiện quy định tại đoạn 4 khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012.

Để đảm bảo quyền và lợi ích cơ bản của người lao động, đồng thời để giải quyết những bất cập trong việc giải quyết các tranh chấp lao động hiện nay ở Việt Nam, chúng tôi bước đầu đề xuất một số vấn đề cần xem xét khi sửa đổi BLTTDS…

Tranh chấp về lao động có những đặc thù riêng so với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại. Mặc dù có một số bất cập, hạn chế nhưng việc áp dụng BLTTDS để giải quyết các tranh chấp lao động cơ bản vẫn phù hợp, bởi lẽ các tranh chấp trong lĩnh vực này có cùng bản chất pháp lý, đều là những tranh chấp về tài sản hoặc nhân thân phi tài sản giữa các chủ thể bình đẳng về địa vị pháp lý. Bên cạnh đó, những tranh chấp này phát sinh từ quan hệ pháp luật có đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh và chủ thể tương đối giống nhau. Do đó, cần nghiên cứu những nội dung đặc thù cho trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động khi sửa đổi BLTTDS, như việc cung cấp tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện trong vụ án lao động mà người khởi kiện là người lao động, thủ tục ủy thác rút gọn đối với những vụ việc đơn giản về dân sự, hôn nhân gia đình (nhất là các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài), lao động để không mất quá nhiều thời gian cho việc lập hồ sơ ủy thác cũng như nhận ủy thác của các đương sự…

BLTTDS năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS quy định thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp, các yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động theo hướng liệt kê dẫn đến việc liệt kê không đầy đủ và chỉ mang tính khái quát, không nêu cụ thể dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến có nhiều ý kiến khác nhau khi xác định thẩm quyền loại vụ án của Tòa án. Mặt khác, BLLĐ năm 2012 có nhiều sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của Tòa án mà chưa được quy định là thẩm quyền của Tòa án trong BLTTDS. Do vậy, cần bổ sung nội dung này vào BLTTDS.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 51, Điều 79, điểm b khoản 2 Điều 214, điểm c khoản 3 Điều 214 BLLĐ năm 2012 thì TAND có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu, tuyên bố cuộc đình công là hợp pháp, bất hợp pháp. Do vậy, Điều 34 Dự thảo BLTTDS quy định bổ sung thẩm quyền này cho Tòa án. Mặt khác, nguyên tắc Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng được bổ sung vào dự thảo BLTTDS nên các tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức khác giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số vướng mắc trong giải quyết án lao động