Nghiệp vụ

Một số vướng mắc trong công tác giải quyết án hình sự

Nhóm PV 25/12/2023 - 11:37

Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2024, TAND cấp cao tại Hà Nội đã có phần tham luận về một số vướng mắc và đề xuất TANDTC giải đáp, hướng dẫn để thống nhất chung trong quá trình xử lý.

Theo đó, các tội phạm về ma túy quy định tại Chương XX BLHS, Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/3/2001 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng khoản 4 Điều 194 BLHS năm 1999 về tội phạm ma túy xử phạt tử hình nếu: Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cocain có trọng lượng từ 20kg trở lên; heroin hoặc cocain có trọng lượng từ 600gam trở lên”...

BLHS năm 2015 vẫn giữ nguyên về khối lượng ma túy của BLHS năm 1999, nghĩa là heroin hoặc cocain có khối lượng từ 100gam trở lên thì có thể áp dụng hình phạt tử hình.

Thực tiễn xét xử, các Tòa án vẫn đang áp dụng tinh thần của Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP để đưa ra đường lối xét xử dẫn đến nhiều vụ án ma túy, khi bị bắt thu giữ khối lượng heroin hoặc cocain có khối lượng trên 600gam trở lên nhưng vụ án có nhiều đồng phạm, do vậy số lượng bị cáo bị tuyên án tử hình tăng nhiều. Từ những vướng mắc trên, TAND cấp cao tại Hà Nội đề xuất sửa BLHS năm 2015 cho phù hợp với thực tế để giảm án tử hình.

Bên cạnh đó, trường hợp một số đối tượng dùng tiền của mình liên hệ với người bán ma túy, sau đó đưa tiền cho các đối tượng khác đi mua ma túy về cùng nhau sử dụng, khi các đối tượng đã mua được ma túy, trên đường mang về thì bị bắt quả tang. Vậy các đối tượng này phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, có quan điểm cho rằng các đối tượng đồng phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

tand-cap-cao-tai-hn.jpg
Đồng chí Nguyễn Thế Lệ, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội trình bày tham luận tại Hội nghị.

Đối với vụ việc này, TAND cấp cao tại Hà Nội cho rằng, ngay từ đầu các đối tượng đã có sự thống nhất về ý chí, động cơ, mục đích là mua ma túy về để cùng nhau sử dụng. Do bị bắt quả tang nên không sử dụng được trái phép chất ma túy, việc này nằm ngoài ý chí chủ quan của các đối tượng nên Tòa án truy cứu các đối tượng về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” là phù hợp.

Do còn có quan điểm khác nhau, TAND cấp cao tại Hà Nội đề nghị TANDTC giải đáp: Trường hợp các bị cáo đang sử dụng trái phép chất ma túy thì bị bắt quả tang, thu giữ vật chứng và đã xác định được hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, tại vị trí trước mặt các đối tượng còn thu giữ được khối lượng ma túy, các đối tượng cho rằng đang tiếp tục sử dụng. Trường hợp này có địa phương thì xử lý thêm tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy" (nếu đủ khối lượng) nhưng cũng có địa phương chỉ xử lý 1 tội là “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

TAND cấp cao tại Hà Nội cũng đề nghị TANDTC giải đáp về việc, thực tế xét xử có trường hợp sau khi bị xét xử sơ thẩm, bị cáo không kháng cáo, bản án sơ thẩm không bị Viện kiểm sát kháng nghị và trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội mới.

Đối với trường hợp này, nhiều quan điểm cho rằng BLHS chỉ quy định “đã bị kết án”, không quy định bản án phải có hiệu lực pháp luật cho nên bản án sơ thẩm là căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng xác định bị cáo là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng bị cáo thực hiện hành vi phạm tội khi bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật (tức là chưa có giá trị pháp lý) nên không phải là căn cứ xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Đối với Tố tụng hình sự, TAND cấp cao tại Hà Nội đề nghị TANDTC giải đáp 4 nội dung lớn gồm:

Trường hợp bị cáo dùng tài sản đã thế chấp hợp pháp làm phương tiện phạm tội mà bên nhận thế chấp không có lỗi trong việc để cho bị cáo sử dụng tài sản đó vào việc thực hiện tội phạm.

Theo quy định tại Điều 47 BLHS và Điều 106 BLTTHS thì về nguyên tắc phương tiện dùng phạm tội mà vẫn thuộc sở hữu của bị cáo thì phải bị tịch thu, thế chấp chỉ là biện pháp bảo đảm, chưa phải là chuyển quyền sở hữu. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTCBCA-BTC quy định tại mục 5 phần I hướng dẫn xử lý theo hướng giao cho bên nhận thế chấp quản lý, xử lý khi hết thời hạn để thu hồi nợ. Vì vậy, hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau trong việc xử lý vật chứng là phương tiện phạm tội nhưng trước đó đã được thế chấp hợp pháp.

Tại Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 chưa giải đáp rõ về vấn đề này và đề nghị hướng dẫn cụ thể hơn.

Về trường hợp kháng nghị giám đốc thẩm đối với Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Theo quy định tại Điều 370 BLTTHS thì giám đốc thẩm là xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Thực tế, có trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị đối với quyết định giảm hạn chấp hành án phạt tù của TAND cấp tỉnh do giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù không đúng, không đủ điều kiện. Đối với trường hợp này, việc Tòa án cấp giám đốc thẩm có thẩm quyền giám đốc đối với các quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù hay không chưa được quy định cụ thể.

Đề nghị TANDTC giải đáp, thẩm quyền giám đốc thẩm đối với vụ án có quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Đối với vụ án hình sự của TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm có kháng cáo đối với toàn bộ bản án, sau đó người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, TAND cấp cao ban hành quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ban hành quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 348 BLTTHS.

Sau đó, nếu phát hiện bản án sơ thẩm xét xử sai nhưng quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của Tòa án cấp phúc thẩm lại đúng thì thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm vụ án thuộc TAND cấp cao hay TANDTC. Trong trường hợp này chỉ kháng nghị đối với bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hay phải kháng nghị cả quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. BLTTHS năm 2015 không quy định rõ trường hợp này nên hiện nay vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Về vấn đề này, TAND cấp cao tại Hà Nội cho rằng để giải quyết toàn diện vụ án thì cần phải kháng nghị cả quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của TAND cấp cao, bởi vì quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm công nhận bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.

Trường hợp bị cáo phạm tội ở nhiều địa phương khác nhau, có trường hợp bị cáo chỉ phạm 1 tội (ví dụ tội "Vi phạm quy định về đấu thầu") một bị cáo có thể đấu thầu tại nhiều địa phương khác nhau, khi xét xử các địa phương áp dụng mức hình phạt khác nhau rồi tổng hợp hình phạt của nhiều bản án; nếu như vậy cùng 1 hành vi mà bị cáo phải chịu nhiều mức hình phạt của nhiều bản án khác nhau dẫn đến mức hình phạt của bị cáo rất nặng. Đề nghị nên giao cho một địa phương xét xử.

Đối với bị cáo phạm nhiều tội ở nhiều địa phương khác nhau trong thời gian ngắn, việc nhập vụ án làm 1 chưa được thống nhất của các địa phương. TAND cấp cao tại Hà Nội đề nghị có hướng dẫn thống nhất trong việc nhập vụ án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số vướng mắc trong công tác giải quyết án hình sự