Như đã trình bày, việc xây dựng các dự án luật tố tụng (sửa đổi) phải được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập, kế thừa những quy định còn phù hợp, đang phát huy tác dụng
Đồng thời trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các dự án luật tố tụng cần lưu ý một số vấn đề lớn, cơ bản.
Đó là điều chỉnh lại thẩm quyền xét xử của từng cấp Tòa án để phù hợp với mô hình tổ chức Tòa án 4 cấp theo Luật tổ chức TAND năm 2014; Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Bên cạnh đó còn một số định hướng lớn, cơ bản, đó là:
- Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm
Bảo đảm nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” là một trong những yêu cầu quan trọng nhất để Tòa án nhân dân thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung các luật tố tụng theo hướng quy định cụ thể những hành vi bị coi là can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm (như gây sức ép; tác động bằng những lợi ích vật chất hoặc tinh thần; đưa tin sai sự thật về việc giải quyết vụ án...). Cùng với việc quy định về vấn đề này, phải có những chế tài kỷ luật, chế tài hành chính, chế tài hình sự nghiêm khắc để xử lý, ngăn chặn và phòng ngừa những hành vi can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi họp Ban soạn thảo dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)
Để đảm bảo cho Tòa án độc lập xét xử, cần xem xét, sửa đổi vấn đề giới hạn xét xử của Tòa án trong các vụ án hình sự. Điều 196 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành lại quy định: Khi xét xử sơ thẩm, “Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử”. Nếu tội danh mà Viện kiểm sát truy tố mâu thuẫn với kết quả tranh tụng tại phiên tòa thì điều luật này mặc nhiên trái với quy định của Hiến pháp 2013: “Nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm”, trái với các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp: “Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”.
Trên thực tế, trong quá trình xét xử, Tòa án phát hiện các bị cáo đã phạm một tội khác có mức án cao hơn mức mà Viện kiểm sát truy tố, nhưng Tòa án vẫn phải tuyên bị cáo phạm tội theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố có mức án thấp hơn. Do đó, đã gây sự hoài nghi cho xã hội, khiến dư luận không đồng tình, nhất là đối với các tội phạm về tham những, tội phạm có tổ chức. Vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung quy định trên theo hướng không nên giới hạn phạm vi phán quyết của Hội đồng xét xử theo cáo trạng truy tố, vì như vậy dẫn đến hạn chế sự quyết định đúng pháp luật của Tòa án. Qua tranh tụng tại phiên Tòa, xem xét toàn diện vụ án, nếu Hội đồng xét xử nhận thấy có đầy đủ căn cứ chứng minh bị cáo phạm tội có mức án nặng hơn hoặc nhẹ hơn mức án mà cáo trạng truy tố thì Tòa án căn cứ các quy định của pháp luật, tuyên bị cáo phạm tội theo đúng hành vi của bị cáo và bản chất thực của vụ án.
Mặt khác, thông qua quá trình xét xử, tranh tụng tại Tòa án, Hội đồng xét xử phát hiện bị cáo có hành vi phạm tội mới, thì Tòa án có quyền khởi tố vụ án ngay tại phiên tòa để tiến hành điều tra làm rõ, giải quyết triệt để vụ án. Nếu chứng cứ chứng minh chưa đầy đủ, Tòa án có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tự mình thu thập, xác minh chứng cứ để làm rõ tội phạm. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc “độc lập xét xử” và nguyên tắc “đảm bảo tranh tụng của Tòa án” theo nội dung Hiến định.
Thêm vào đó, để bảo đảm địa vị pháp lý của Thẩm phán, Hội thẩm trong việc thực hiện quyền tư pháp cần bổ sung vào nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nội dung mới, đó là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân không bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại đối với quan điểm, quyết định được đưa ra khi thực hiện quyền hạn xét xử, trừ trường hợp cố ý vi phạm theo quy định của luật. Việc xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Thẩm phán phải có ý kiến của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia. Đây là chế định được ghi nhận trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới và cũng là cơ chế pháp lý để Thẩm phán, Hội thẩm chỉ tuân theo pháp luật và căn cứ vào niềm tin nội tâm của mình trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ khi thực hiện nhiệm vụ xét xử.
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm
Về thẩm quyền và phương thức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, cần sửa đổi lại theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 để phù hợp với thẩm quyền của từng cấp Tòa án trong mô hình Tòa án bốn cấp. Theo đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng gồm 5 Thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể Thẩm phán; Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng 3 Thẩm phán hoặc toàn thể Ủy ban Thẩm phán. Cùng với việc sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm, các căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và cách thức tổ chức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm cũng cần được bổ sung, làm rõ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 104 của Hiến pháp năm 2013 thì: “Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Với mô hình Tòa án bốn cấp thì Tòa án nhân dân tối cao chỉ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm mà không xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Như vậy, phải nhìn nhận giám đốc thẩm, tái thẩm là một cấp xét xử. Hiến pháp năm 2013 cũng chỉ đặt ra yêu cầu “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm” mà không quy định “Thực hiện chế độ hai cấp xét xử” như trong luật tố tụng hiện hành.
Với nhận thức như vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng Hội đồng giám đốc thẩm có thể sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nếu có đủ căn cứ, để khắc phục tình trạng vụ án bị kéo dài do phải xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lại nhiều lần. Việc quy định Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cũng là điều kiện để Tòa án nhân dân tối cao ban hành và phát triển án lệ theo tinh thần cải cách tư pháp và đã được thể chế hóa trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc và quy định thời hạn nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm và thời hạn giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm để bảo đảm cho các vụ việc được giải quyết liên tục.
Một vấn đề khác cần được nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến đó là quy định về lệ phí nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm. Vấn đề đặt ra là có nên quy định về loại lệ phí này hay không? Nếu quy định thì nên quy định thế nào để bảo đảm quyền lợi của người đã nộp lệ phí, đồng thời cũng bảo đảm tính khả thi trong việc xem xét và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm? Nếu quy định thì quy định trong cả ba luật tố tụng, hay chỉ nên cân nhắc trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính? Trường hợp có quy định về lệ phí nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm thì việc giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm có thể quy định theo hướng:
Trong thời hạn 3 tháng (hoặc 1 tháng), kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà người nộp đơn nộp lệ phí giám đốc thẩm thì Tòa án phải thụ lý giải quyết đơn và trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày nhận được đơn, Tòa án phải mở phiên họp xét đơn của đương sự. Trường hợp xét thấy có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm thì báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, kháng nghị. Trường hợp không có căn cứ kháng nghị thì bác đơn đề nghị.
Trường hợp đương sự nộp đơn nhưng không nộp lệ phí giám đốc thẩm, hoặc trường hợp sau khi Tòa án bác đơn đề nghị mà đương sự tiếp tục có đơn thì việc xem xét giải quyết đơn thực hiện theo quy định chung về thời hạn giám đốc thẩm. Trường hợp cơ quan, tổ chức có yêu cầu giám đốc thẩm thì không phải nộp lệ phí và thời hạn giải quyết thực hiện theo quy định chung về thời hạn giám đốc thẩm.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, ở một số quốc gia có quy định về thủ tục phúc thẩm lần 2 được áp dụng trong xét xử. Đây cũng là vấn đề mới, có thể tham khảo và thể hiện trong các luật tố tụng của Việt Nam để khắc phục những tồn tại, bất cập trong việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm thời gian qua. Theo định hướng này, có thể thiết kế thủ tục phúc thẩm lần 2 do Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết đối với những bản án phúc thẩm lần 1 của các Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân cấp cao.
- Về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Khoản 1 Điều 104 của Hiến pháp quy định: “Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Khoản 4 Điều 22 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cũng đã quy định: “Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị”.
Để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đồng thời vẫn bảo đảm có cơ chế để xem xét, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức bị vi phạm thì cần cân nhắc lại quy định hiện hành về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao theo hướng tiếp tục kế thừa quy định hiện hành về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, khi xem xét lại quyết định này theo thủ tục đặc biệt, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chỉ kết luận về tính hợp pháp của quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành; xác định trách nhiệm bồi thường và quyền của đương sự theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
- Về thủ tục xét xử rút gọn
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 103 của của Hiến pháp năm 2013, bên cạnh thủ tục tố tụng chung, Tòa án có thể xét xử, giải quyết theo thủ tục rút gọn đối với các vụ việc có những tiêu chí nhất định. Như vậy, trong mô hình tố tụng mới, cần quy định về thủ tục rút gọn; cần cụ thể hóa các tiêu chí của các vụ án mà Tòa án có thể giải quyết theo thủ tục rút gọn theo hướng không chỉ rút gọn về thời hạn giải quyết, mà còn rút gọn cả về trình tự, thủ tục, thành phần hội đồng xét xử; bảo đảm cho vụ việc được giải quyết nhanh gọn và hiệu quả.
Nên chăng, có thể thiết kế hai phương án: Các vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn không có kháng cáo, kháng nghị và các vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục chung. Cần cân nhắc kỹ về tiêu chí của các vụ án theo cả hai phương án trên, làm sao đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, bị cáo nhưng vẫn tạo được điều kiện thuận lợi cho Tòa án nhân dân giải quyết các vụ việc được nhanh, gọn, tiết kiệm thời gian, công sức và kinh phí của Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân.
- Về bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án
Cần sửa đổi, bổ sung trong các luật tố tụng để làm rõ hơn nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án; trách nhiệm và biện pháp xử lý đối với người vi phạm, đặc biệt là trong tố tụng hành chính để khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác thi hành án hiện nay.
Bên cạnh các dự án luật nêu trên, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, trong năm 2015 Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đối với dự án Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đây là các bộ luật cơ bản, có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật, có liên quan chặt chẽ đến hoạt động xét xử của các Tòa án.
Định hướng chung của việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các dự án luật này phải đáp ứng các yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là các quyền chính trị, dân sự, kinh tế... Vấn đề đặt ra đối với việc sửa đổi, bổ sung các bộ luật này phải tạo ra hành lang pháp lý an toàn và thuận lợi cho sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt là yêu cầu về xây dựng đổi mới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, tăng cường hội nhập quốc tế, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, điều chỉnh và xử lý có hiệu quả các tranh chấp và tội phạm trong bối cảnh hiện nay của đất nước.
Với các định hướng cơ bản nêu trên, Toà án nhân dân tối cao yêu cầu Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, các đơn vị trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao tổ chức thực hiện tốt kế hoạch của Chính phủ, kế hoạch của Tòa án nhân dân tối cao về việc nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự án Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự (sửa đổi); góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, tương thích với các luật tố tụng trong nước, phù hợp với quy định cơ bản của pháp luật quốc tế trong bối cảnh đất nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với các quốc gia trong khu vực và thế giới.