Đài khí tượng gửi về các thông số dự báo an toàn trên biển, gió cấp ba, sóng thấp, tầm nhìn xa hơn mười kilômet. Tàu khách Bình Thuận 18 được lệnh khởi hành tại cảng Phan Thiết lúc 6 giờ sáng. Vượt qua hành trình dài 60 hải lý, tàu cập cảng Phú Quý.
Tất cả vì chủ quyền biển đảo
Đón chào chúng tôi là những sỹ quan và chiến sỹ quân phục chỉnh tề, đội ngũ nghiêm trang giữa nắng trưa gay gắt. Trong đội ngũ những người lính đang đứng chân trên huyện đảo, các chiến sỹ hầu hết là trai tân thực hiện nghĩa vụ quân sự khi chưa vướng bận chuyện vợ con, có cậu mặt còn phinh phính, phơn phớt lông tơ trên má. Nhiều sỹ quan chỉ huy đã có gia đình, vợ con gửi lại quê nhà, mỗi năm một đợt phép không thỏa nỗi nhớ mong.
Công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu nơi thao trường diễn ra bất kể đêm ngày. Trách nhiệm người lính đặt lên trên, tình riêng gói lại trong lòng. Nhiệm vụ gian khổ, lâu dài, không người vợ nào muốn xa cách chồng, không em thơ nào muốn vắng bóng cha, những khao khát tình cảm đó phải nén vào lòng. Tất cả vì trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ chủ quyền thiêng liêng biển đảo Tổ quốc.
Nhằm mục tiêu xây dựng đảo tiền tiêu là thành trì vững chắc, sức người, sức của ngày đêm bồi đắp. Nhiều quân binh chủng phối hợp xây dựng và bảo vệ đảo như lính Bộ binh, lính Thông tin, lính Công binh, lính Đặc công, lính Ra đa, lính Pháo binh gồm Đại đội 1 - Bộ binh; Đại đôi 3 - Hỏa khí đi cùng; Đại đội 4 - pháo 37mm; Đại đội 5 - pháo mặt đất; Đại đội 6 - pháo phòng không thuộc Ban chỉ huy Quân sự huyện Phú Quý, đơn vị Đặc công thuộc Bộ tư lệnh Đặc công và đơn vị Ra đa thuộc Quân chủng Hải quân.
Một góc đảo Phú Quý
Những người lính đôi mắt lấp lánh như biển sáng, cơ bắp chắc khỏe và làn da ngậm nắng gió đại dương khiến chúng tôi vững tin về sức trẻ và lòng yêu nước và tinh thần thực hiện nhiệm vụ của họ. Cuộc hội ngộ nơi đảo xa thấm đẫm tình người, kết nối đất liến và biển đảo. Thuở nào cha Lạc Hồng dẫn đàn con xuôi về biển đảo mở mang bờ cõi đất Việt. Bây giờ chúng tôi là con cháu mẹ Âu Cơ tìm lại anh em ruột thịt của mình.
Trên đỉnh Hải Đăng, tầm nhìn bao quát toàn cảnh cụm đảo. Giữa bốn bề đại dương, trời nước mênh mông, vậy mà hình thế núi đồi trên đảo Phú Quý vẫn tầng tầng lớp lớp tạc hồn thiêng đất nước. Hơn 9 giờ sáng, nắng dội trên chỏm đá, nắng quất ràn rạt trên những rặng cây, nắng quét qua lán trại tùm hum dưới chân núi, trải lấp lóa trên khắp đảo Tiền Tiêu. Mà cái nắng Phú Quý cũng thật lạ: Nắng sớm thì nhẹ nhàng và dịu êm, nắng trưa thì chói chang và ác liệt khiến mọi sinh vật phải tìm nơi trú tránh. Chỉ có cây cối và những người lính đảo là lại gồng mình chống chịu.
Lính công binh mồ hôi ròng ròng trên khuôn mặt cương nghị. Vệt muối loang lổ trên lưng áo. Máy xúc, máy ủi, máy cẩu rầm rập hoạt động. Cát đá, xi măng, sắt thép liên tục vận chuyển tới. Nắng hun xạm làn da khiến cánh lính trẻ mặt còn lông tơ như săn chắc và phong trần hơn. Nét thư sinh của ngày mới ra đảo giờ đây không còn nữa. Mỗi ngày, nhìn vào gương soi, lính cười khoe hàm răng trắng bóc trên khuôn mặt “chà và” nâu sạm.
Bộ đội ta bây giờ tiếp cận với vũ khí, khí tài, hiện đại, tối tân. Bí mật quân sự binh lực cần phải ẩn giấu, chỉ xuất đầu lộ diện khi cần thiết. Đào trong lòng núi, xây dựng đường giao thông, xe pháo, tên lửa ẩn vào. Mấy lượt tập trận, tên lửa cơ động xuất kích hướng tầm bắn vào kẻ thù tiến công từ Biển Đông.
Lính pháo binh hằng ngày tập trận, tình huống đặt ra tàu chiến kẻ thù tấn công đảo. Lính ta hô “hò dô ta nào, kéo pháo”, pháo đã sẵn sàng vào trận. Pháo ta hùng dũng dàn hàng xung trận, căn chỉnh tọa độ, bắn thẳng quân thù. Trên đỉnh cao, mũi ra đa chọc thẳng vào bầu trời xanh rà soát, theo dõi hoạt động trên biển. Đôi chân lính ra đa hàng ngày vượt lên máy trăm bậc đá “đầu gối chạm cằm”, khí tài, quân dụng, nước uống, thực phẩm lên chốt dồn cả lên vai lính trẻ. Đứng chân trên đỉnh cao, nguồn nước quý giá phải chuyển từ dưới chân núi lên. Trong mùa khô sử dụng nước hết sức tiết kiệm. không đủ nước để tăng gia sản xuất nên nguồn rau xanh phải cần sự trợ giúp của các đơn vị khác.
Ấm tình quân dân
Địa hình đóng quân của Đại đội 1 ở Triều Dương có vị trí thuận lợi hơn để tăng gia sản xuất. Khi nhìn thấy thành quả điển hình của các anh bộ đội, ai nấy đều trầm trồ khen ngợi. Rau muống, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt trải thảm xếp hàng. Giàn bí đao, bầu hồ lô trái sai lúc lỉu. Lối đi dẫn vào chuồng lợn, chuồng gà vịt được bố trí ngăn nắp, sạch sẽ. Đặc biệt hệ thống lò hơi, tiết kiệm chất đốt vẫn ra lò những bữa ăn ngon lành phục vụ chiến sỹ.
“Mỗi khi biết có tàu từ đất liền ra, anh em trong đơn vị đều gửi mua các loại giống rau phù hợp với đảo để trồng. Ở đây nước ngọt khan hiếm nên mỗi ca nước đều được tính toán sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Nước rửa mặt xong thì để tưới rau, còn nước vo gạo thì dùng chăn lợn... Nhờ tích cực tăng gia sản xuất mà bữa ăn của anh em ở đây cũng “sang trọng” chả kém gì đất liền...”, Phạm Văn Hùng - chiến sỹ của Đại đội 1 hồ hởi kể.
Bình Thuận 18 - Con tàu nối Phú Quý với đất liền
Ngoài chuyện khan hiếm nước ngọt thì xa xôi, cách trở cũng là vấn đề tâm tư của hầu hết các cán bộ, chiến sỹ công tác ở Phú Quý. “Ở đây rất nhiều cán bộ, chiến sĩ có người thân, gia đình ở đất liền. Nhu cầu đi lại là rất lớn những không phải lúc nào muốn về thăm cũng được. Tất cả phải phụ thuộc vào tàu. Giao thông đi lại khó khăn, cách trở là vậy nên ngay cả hàng hóa đưa ra đây cũng đắt đỏ hơn đất liền chút ít. Đó cũng là khó khăn mà quân và dân trên đảo phải đối mặt. Nhưng có điểm thuận lợi là phần lớn cán bộ, chiến sĩ nhân dân đều có ý chí, quyết tâm, có niềm tin mình sẽ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống và mọi việc sẽ tốt hơn”, anh Nguyễn Văn Dũng, cán bộ xã Long Hải, Phú Quý chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Văn Mừng (67 tuổi), một ngư dân ở Phú Quý cho biết thì ngày trước, khi chưa có dân ra đảo, chỉ có các đơn vị bộ đội, đường mòn đầy đá cuội và rừng rậm còn hoang sơ. Thường thì một tháng có một chuyến tàu ra đảo, nên thư từ liên lạc với đất liền cũng phải mất ngần ấy thời gian mới đến. Bây giờ một tuần có một chuyến tàu, nên cuộc sống người dân trên đảo có phần khởi sắc. Họ cảm thấy đất liền thật gần. Nhưng việc đi lại giữa đất liền với hòn đảo này cũng còn rất xa xôi và mất nhiều thời gian.
Khó khăn là vậy, nhưng từ nhiều năm nay, quân và dân trên đảo đã và đang quyết tâm xây dựng Phú Quý ngày càng phát triển. Nơi họng gió chướng của mùa bấc thổi, dù chỉ đến một ngày, chúng tôi đã phải đối diện với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Vậy mà họ đã ở đây cả ngàn ngày. Đến những ngôi nhà ở Phú Quý cũng phải xây thật thấp để tránh ngọn gió hiểm ác. Những biện pháp chắn gió được thực hiện như trận chiến đấu ác liệt để bảo vệ đất đai, giữ gìn sự sinh tồn. Những hàng rào chắn gió đã được dựng lên. Hàng rào bằng cỏ cây ghép lại, đan chắc bằng dây cước, có những kẻ hở cho gió được xuyên qua, gió bị xé nhỏ ra không còn sức mạnh để thổi bay nhà cửa, đất đai. Nhưng cây cối vẫn bị héo úa vì gió mang theo nhiều muối biển.
Chuyến thăm quan thực tế đã bồi đắp thêm cho chúng tôi niềm tin mạnh mẽ về cuộc sống nơi đảo xa, đó là niềm tin của người và người. Tình người đậm chất yêu thương, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh. Bạn có thể để chiếc xe mô tô của bạn ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào trên đảo, không hề bị mất trộm. Niềm tin của quân và dân gắn bó bền vững. Từ trong gian khó vững lòng hiếu trung. Phẩm chất của người lính vì dân, vì nước sáng nơi hiểm địa.
Dẫu để mang được một cân xi măng, một tấn thép hay chỉ một viên thuốc kháng sinh ra đảo cần biết bao công sức không đo đếm được bằng tiền, nhưng sức lính và tấm lòng anh bộ đội luôn rộng mở. Chúng tôi thấy bệnh viện nơi huyện đảo là bệnh viện của quân và dân. Quân đội kéo thuyền cho dân khi bão tố. Quân đội làm đường cho dân. Quân đội dựng nhà cho dân. Tình yêu thương của quân và dân đã gắn chặt chẽ như nền móng kiên cố trên nền đất đảo. Đã có những sỹ quan kết hôn với phụ nữ nơi đảo, gắn bó keo sơn tình cảm vợ chồng.
Đài khí tượng báo về từ 18 giờ - 24 giờ có sóng cao và gió lớn. Các thông số an toàn trên hải trình từ lúc 0 giờ. Chúng tôi tạm biệt huyện đảo, con tàu lướt sóng gợi lại những vương vấn, yêu thương, người ở, người về, lòng xao động như mạn tàu sóng vỗ.