Trong một lần lên Điện Biên công tác, tôi có dịp ghé thăm TAND tỉnh Điện Biên. Trò chuyện với Chánh án TAND tỉnh Phạm Văn Nam, tôi mới thấy, công tác Tòa án ở những tỉnh miền núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn đến nhường nào.
Vậy nhưng, năm 2017, TAND tỉnh Điện Biên vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được tặng danh hiệu Cờ Thi đua TAND.
Chánh án TAND tỉnh Điện Biên Phạm Văn Nam
Khó khăn của Tòa án nơi biên viễn
Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc với hơn 400 km. Mặc dù tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện nhưng lại có tới 19 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh. Chính vì điều kiện địa lý cộng với đa dân tộc, lại đa số là dân tộc thiểu số nên công tác Tòa án ở đây gặp rất nhiều khó khăn.
Chánh án Phạm Văn Nam cho biết: Tình hình tội phạm mấy năm gần đây ngày một gia tăng, tính chất rất phức tạp. Án hình sự ở Điện Biên chủ yếu liên quan đến án ma túy. Tội phạm không chỉ là người Việt Nam mà còn có cả người nước ngoài như Trung Quốc, Lào... nên rất khó khăn cho việc trấn áp tội phạm.
Mấy năm trước, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy ở Điện Biên trở nên nhức nhối. Nhờ có sự phối kết hợp giữa các cơ quan chuyên môn nên gần đây, tội phạm này dần lắng lại. Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh vẫn hết sức phức tạp, nhất là ở các xã, huyện vùng sâu, vùng xa.
Ông Nam tâm sự: Chính vì địa bàn khó khăn, hiểm trở nên công tác xét xử, đặc biệt là xét xử lưu động ở các xã vùng sâu, vùng xa nơi xảy ra vụ án gặp không ít khó khăn. Có những vụ án xét xử lưu động chỉ diễn ra trong một buổi sáng nhưng công tác chuẩn bị cũng mất đến 2-3 ngày. Thẩm phán được phân công xét xử vụ án đó có khi phải đi mất một ngày đường mới vào tới nơi. Khó khăn là vậy nhưng cán bộ, Thẩm phán TAND hai cấp tỉnh Điện Biên luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ lẫn nhau để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm 2017,TAND tỉnh Điện Biên đã giải quyết, xét xử 2.303/2.353 vụ, việc, đạt tỷ lệ 97,8%; so với cùng kỳ năm 2016 thụ lý giảm 32 vụ, việc; còn lại 50 vụ, việc. Riêng về công tác xét xử án hình sự, tổng thụ lý là 904 vụ với 1.196 bị cáo, so với cùng kỳ năm 2016 giảm 75 vụ; đã giải quyết, xét xử 902 vụ với 1.194 bị cáo; còn lại 2 vụ với 2 bị cáo. Trong đó, án sơ thẩm thụ lý 885 vụ với 1.176 bị cáo, so với cùng kỳ năm 2016 giảm 26 vụ; đã giải quyết, xét xử 883 vụ với 1.174 bị cáo, đạt 99,8% (vượt chỉ tiêu 4,8%); còn 2 vụ với 2 bị cáo.Án phúc thẩm: Thụ lý 19 vụ với 20 bị cáo, so với cùng kỳ năm 2016 giảm 49 vụ; đã giải quyết, xét xử 19 vụ với 20 bị cáo, đạt 100%.Cũng trongnăm 2017, TAND hai cấp tỉnh Điện Biên đã tổ chức 164 phiên toà xét xử lưu động (cấp tỉnh 12 vụ, cấp huyện 152 vụ) tại những nơi xảy ra tội phạm để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần tích cực vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Cải tiến phương pháp làm việc, tăng cường hợp tác quốc tế
Sau một tuần trà, ông Nam dẫn tôi đi tham quan một vòng trụ sở làm việc. Trụ sở tuy không lớn nhưng khá khang trang, sạch sẽ. Không khí làm việc ở các phòng ban chuyên môn rất nghiêm túc, hăng say. Ông Nam phấn khởi cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của trang thông tin điện tử phục vụ hoạt động của Tòa nên ngày 27/10/2017, TAND tỉnh đã chính thức khai trương Trang thông tin điện tử TAND tỉnh.
Trang thông tin điện tử của TAND tỉnh có địa chỉ: tanddienbien.gov.vn được xây dựng nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đấu tranh phòng chống tội phạm, ngăn ngừa phát sinh khởi kiện, tranh chấp trong quần chúng nhân dân; đưa thông tin hoạt động của Tòa án tới công chúng. Ngoài ra, trang thông tin còn trợ giúp cán bộ, công chức Tòa án tra cứu thông tin pháp luật, tài liệu tham khảo hoặc các bài viết trao đổi nghiệp vụ.
Vì là tỉnh giáp ranh với biên giới các nước nên thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại trong tình hình mới, trong đó có việc tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp trong hệ thống TAND. Năm 2017, TAND tỉnh Điện Biên tổ chức đoàn công tác sang thăm và Hội đàm định kỳ với TAND tỉnh Luang Pra Bang, nước CHDCND Lào. Thông qua các cuộc hội đàm, TAND hai tỉnh đã tiến hành trao đổi học tập kinh nghiệm về công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án,công tác đấu tranh phòng chống tội phạm qua biên giới và công tác thi hành án hình sự.
Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, thực hiện Quyết định số 182/QĐ-UBND ngày 26/3/2012 của UBND tỉnh Điện Biên về việc phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, TAND tỉnh cũng đã thường xuyên cử cán bộ tham mưu cho Đảng ủy, HĐND, UBND xã Keo Lôm về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong năm 2017, công chức TAND tỉnh đã vận động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, cũng như sự quyên góp mỗi người một ngày lương của công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan để ủng hộ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; dựng một nhà cho hộ nghèo trên địa bàn xã với tổng giá trị quà và tiền hơn 30.000.000 đồng.
Trong 5 năm qua, TAND tỉnh Điện Biên đã giúp đỡ xã Keo Lôm tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội, quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ người dân trên địa bàn xã Keo Lôm cả về vật chất lẫn tinh thần. Phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, công chức, viên chức TAND tỉnh thường xuyên quyên góp, ủng hộ, cũng như kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ, giúp đỡ bà con, nhất là vào các dịp đầu năm học mới, dịp lễ, Tết nguyên đán nhằm tạo điều kiện cho con em có sách vở, quần áo đến trường, đảm bảo cho bà con đón tết sum vầy với tổng giá trị trên 230.000.000 đồng. Đây là một trong những việc làm hết sức thiết thực của TAND hai cấp tỉnh Điện Biên.
Chia tay Chánh án Phạm Văn Nam, dựa vào những dự định mà ông đang ấp ủ và nhìn vào kết quả TAND tỉnh Điện Biên đã đạt được trong những năm qua, tôi tin, năm 2018, TAND tỉnh Điện Biên sẽ đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa. Trước thềm năm mới Mậu Tuất, chúc cho cán bộ, công chức TAND tỉnh Điện Biên ngày càng đoàn kết, xứng đáng là lá cờ đầu của TAND các tỉnh miền biên viễn.