Một Hà Nội vừa quen vừa lạ trải ra bên dưới "cửa sổ"

Hà Thu| 09/07/2015 06:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Căn phòng nhỏ ở phố Hàng Bồ ấy… có cái cửa sổ, là cửa ngõ hứa hẹn tôi về một thế giới khác...Tôi không nhớ đã có bao nhiêu giấc mơ mà trong ấy tôi bay được và bay qua cái cửa sổ đó, bay rất cao và nhìn cả Hà Nội trải ra bên dưới..."- Tạ Huy Long.

Đó là tựa đề cho cuốn sách tranh mới nhất có tên gọi là “Cửa sổ” của họa sỹ Tạ Huy Long, một trong những họa sĩ tranh truyện hàng đầu Việt Nam hiện nay, vừa ra mắt khán giả trong tháng 7 này.

Đúng như tác giả chia sẻ, “Cửa sổ” là cái nhìn rất lạ về một Hà Nội của những năm 80 thế kỉ XX, khi Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền chưa bị dỡ bỏ, khi tàu điện vẫn leng keng trên những tuyến phố, và phương tiện đi lại chủ yếu của người dân vẫn là xe đạp.

Đó là cái nhìn lạ về một Hà Nội quen thuộc của một thời kham khổ, nhưng con người vẫn luôn ắp đầy những ước mơ và hy vọng. Cuốn sách tranh này được Tạ Huy Long hoàn thành vào năm 2012, đề tặng Mẹ.

Một Hà Nội vừa quen vừa lạ trải ra bên dưới

Một trong những bức tranh trong cuốn sách "Cửa sổ" của họa sỹ Tạ Huy Long

Những bức tranh của họa sỹ Tạ Huy Long đậm chất ma mãnh, mang trong nó những ẩn dụ của luân hồi, chuyển kiếp, và phảng phất mơ hồ, khó nắm bắt như những giấc mơ vụt lóe lên giữa cuộc sống bận bịu thường nhật, trong suốt như đôi cánh mỏng tang của đàn châu chấu, hẳn sẽ đưa độc giả quay trở lại với một Hà Nội quen thuộc nhưng cảm giác đã xa từ thế kỷ nào.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng “Cửa sổ” của cậu bé Tạ Huy Long mở ra cả một Hà Nội trải rộng vừa quen thuộc, gần gũi vừa lạ lẫm, có chút ma quái với hình ảnh của con châu chấu ma được tác giả cho xuất hiện ngay từ đầu như một ẩn dụ khó đoán. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, “Cửa sổ” của Tạ Huy Long đã phần nào nhắc nhở chúng ta về một Hà Nội thời bao cấp với những hình ảnh “thật đến từng chi tiết nhỏ nhất”.

Một Hà Nội vừa quen vừa lạ trải ra bên dưới

Hình ảnh Hà Nội những năm 80 trong tranh của Tạ Huy Long

Chẳng hạn như hình ảnh của chiếc máy khâu cũ kỹ, đến từng bậc cầu thang bị bong tróc, cái đèn dầu để trên bàn cho đến hình ảnh của bác sửa xe đạp đầu ngõ, hình ảnh bưu điện Hà Nội, tàu điện….tất cả đã được tái hiện một cách chân thực trong tranh của Tạ Huy Long. 

Đồng tình với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Trương Quý cũng cho rằng sáng tác mới nhất này của Tạ Huy Long chính là “cửa sổ” kết nối thế hệ trẻ hiện nay với thế hệ một thời bao cấp những năm 80 của thế kỷ XX, và cho những ai không phải sinh ra và lớn lên ở Hà Nội hiểu hơn và yêu hơn về một Hà Nội cách đây gần 40 năm.

Như Thị Hoa, 18 tuổi đến từ Kim Liên, Hà Nội vừa lật giở từng trang sách của họa sỹ Tạ Huy Long vừa hào hứng chia sẻ: “Tôi đã rất háo hức xen lẫn cả tò mò khi xem cuốn sách “Cửa sổ” này của họa sỹ Tạ Huy Long. Tuy không phải là người Hà Nội gốc, nhưng tôi được sinh ra và lớn lên tại đây, cũng đã quen với một Hà Nội ồn ào và nhộn nhịp, còn những hình ảnh của một Hà Nội của một thời bao cấp, khi có tiếng leng keng của tàu điện chạy quanh Bờ Hồ thì chúng tôi chỉ được được nghe kể lại, hay gặp đâu đó trong sách, trong truyện mà thôi. “Cửa sổ” của họa sỹ giống như một cuốn nhật ký bằng tranh về tuổi thơ của thế hệ người Hà Nội những năm 80 của thế kỷ XX”.

Một Hà Nội vừa quen vừa lạ trải ra bên dưới

Chân dung họa sỹ Tạ Huy Long. Ảnh: Vnexpress

Chia sẻ với độc giả, họa sỹ Tạ Huy Long cho biết: “Cái cửa sổ mà tôi không thể biết bên ngoài nó chứa thứ gì, càng khiến tôi tò mò và nghĩ ra đủ thứ quanh nó. Tôi không nhớ đã có bao nhiêu giấc mơ mà trong ấy tôi bay được và bay qua cái cửa sổ đó, bay rất cao và nhìn cả Hà Nội trải ra bên dưới”.

Một Hà Nội vừa quen vừa lạ trải ra bên dưới

Trang đầu tiên của cuốn sách "Cửa sổ" của họa sỹ Tạ Huy Long

Họa sĩ Tạ Huy Long là một trong những họa sĩ truyện tranh được biết đến nhiều nhất hiện nay tại Việt Nam. Anh sinh năm 1974, tốt nghiệp khoa Nội thất trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Anh là tác giả bộ tranh minh họa cho các cuốn sách “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Sự tích chú Cuội cung trăng”, Đam Dông, tranh truyện Lịch sử Việt Nam, Lịch sử nước Việt bằng tranh, Lá cờ thêu 6 chữ vàng...

Gây ấn tượng với công chúng qua các triển lãm “Ngày xưa tôi là…” (2009) hay “Tôi vẽ tôi” (2012) cũng như nhiều cuộc thi trong và ngoài nước, các nét vẽ mềm mại cũng như khả năng sử dụng màu nước điêu luyện của anh đã ghi dấu mạnh mẽ trong lòng độc giả.

Hiện, Tạ Huy Long là họa sĩ chịu trách nhiệm mỹ thuật chính của NXB Kim Đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một Hà Nội vừa quen vừa lạ trải ra bên dưới "cửa sổ"