Một đời đau đáu giữ nghề tò he

Hoàng Dung| 28/12/2014 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những con tò he đã từng là "bài thuốc bí truyền" giúp ông Nguyễn Văn Ảnh "chữa khỏi bệnh khóc" cho nhiều trẻ em.

Có những đứa trẻ khóc ngằn ngặt sau khi tiêm, mếu máo, phụng phịu làm nũng bố mẹ vì nỗi đau bệnh tật đang mang trong mình, nhưng chỉ ít phút sau khi gặp ông bỗng im bặt và toét miêng cười. Bởi vậy, nhiều người quen gọi ông với biệt danh “Bác sĩ chữa bệnh khóc cho trẻ em”  

30 năm xa xứ mưu sinh

Đó là ông Nguyễn Văn Ảnh, 83 tuổi, quê ở thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, nơi có nghề truyền thống nặn tò he. Không biết tự bao giờ, khi còn ấu thơ, ông đã biết nặn tò he. 10 tuổi ông  theo anh em đi khắp các chợ làng nặn tò he bán. Rồi lớn lên, theo quy luật hành nghề tò he bao đời nay, giống như nhiều tiền bối trong làng mưu sinh bằng nghề truyền thống, chàng thanh niên Nguyễn Văn Ảnh, thường xuyên xa nhà, nay đây mai đó rong ruổi kiếm sống khắp các phiên chợ quê, xóm làng và phố phường. Sau một thời gian phiêu bạt, ông Ảnh quyết định dừng chân tại Hải Phòng với địa điểm hành nghề cố định là cổng Bệnh viện Trẻ em của thành phố Cảng.

Gần 30 năm, kiên trì bám trụ tại đây, ông Ảnh luôn tự hào vì bản thân vừa sống được bằng nghề truyền thống của tổ tiên, vừa làm đẹp cho đời và mang tiếng cười đến với trẻ thơ. Vào những thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, khi mà các loại đồ chơi vẫn còn hiếm hoi, nên khi có được con tò he là điều ao ước của nhiều trẻ nhỏ. Chẳng thế mà có những lúc trẻ em đang khóc ngằn ngặt sau khi tiêm, hay mếu máo, phụng phịu làm nũng bố mẹ vì nỗi đau bệnh tật đang mang, nhưng khi nhận được con tò he từ tay ông bỗng im bặt và toét miệng cười. Cũng bởi vậy, mà biệt danh “ông bác sĩ chữa bệnh khóc cho trẻ” ra đời từ đó.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ảnh và hàng tò he

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ảnh và hàng tò he chuyên "chữa bệnh khóc cho trẻ" tại Bệnh viện Trẻ em tại Hải Phòng

Ông kể: Vui nhất là có những người sau nhiều năm vẫn nhớ đến ông. Hôm trước, ông đang nặn tò he ở cổng Bệnh viện Trẻ em có chàng trai dẫn theo đứa trẻ đến hàng của ông và hỏi “Ông còn nhớ cháu không?, ngày trước, khi còn nhỏ đến bệnh viện điều trị, cháu vẫn được mẹ mua cho con tò he của ông. Nay, cháu lại dắt con đến mua tò he cho ông đây”. Nhắc lại chuyện này ông Ảnh không giấu được niềm vui trong ánh mắt.

Dưới đôi bàn tay khéo léo của ông, chỉ một loáng, những con thú, bông hoa, hình người... lần lượt xuất hiện. Thật lạ, những bông hoa cứ đều tăm tắp như được tạc từ một khuôn. Ông bảo, mỗi giờ có thể nặn được 15 bông hoa như vậy, chỉ sợ không bán hết, ngày mai hỏng, phải bỏ đi sẽ lãng phí.

Nỗi trăn trở mất nghề truyền thống

Xa quê hương và gia đình, phải thuê nhà trọ, nhưng hình ảnh “ông lão tò he” hơn 80 tuổi với mái tóc bạc trắng, nước da ngăm ngăm, vóc dáng khỏe mạnh, ngày ngày đạp xe hơn 6 cây số đến cổng Bệnh viện Trẻ em để mưu sinh, đã trở nên gần gũi và quen thuộc với người dân nơi đây.

Hằng ngày, đúng 7 giờ, ông Ảnh lại rời phòng trọ và trở về lúc 5 giờ chiều. Buổi tối, ông chuẩn bị các nguyên liệu bột để cho ngày hôm sau. Ông cho biết “nguyên liệu nặn món đồ chơi dân gian này là bột gạo nếp xay mịn, sau đó nắm lại thành từng nắm nhỏ, luộc chín và nhuộm phẩm màu. Ngày trước, các cụ chỉ nhuộm bột làm tò he bằng những màu tự nhiên, như màu đỏ thì nhuộm bằng gấc, vàng bằng nghệ, xanh bằng lá mây, nên tò he làm ra có thể ăn được. Bây giờ thì hầu hết đều dùng phẩm mầu hóa học nên tò he chỉ để chơi.”

Mấy năm nay, hàng của ông bán không chạy như xưa. Ông kể, ngày trước, người mua thích nặn Quan Công, Tôn Ngộ Không, Triệu Tử Long… nhưng bây giờ, trẻ con lại mê siêu nhân, người máy, pikachu… Để đáp ứng nhu cầu ngày càng thay đổi của khách nhí, dù cao tuổi ông Ảnh vẫn thường xem hoạt hình, đĩa siêu nhân, đọc truyện tranh dành cho trẻ em.

Ông chia sẻ: “Không xem, không đọc những thứ đó, thì sao biết con trẻ thích thứ nhân vật gì. Bây giờ có cháu ra yêu cầu ông nặn cho cháu con pokemon, mà mình không hình dung được mặt mũi, hình dáng con đấy nó ra sao thì dù bàn tay có tài hoa mấy cũng chẳng làm ra nổi.”

Những con tò he được nặn theo hình dáng những nhân vât hoạt hình mà trẻ con ưa thích

Những con tò he được nặn theo hình dáng những nhân vât hoạt hình, truyện tranh mà trẻ con ưa thích  

Dù rất nỗ lực để thích ứng, thay đổi cho phù hợp với thị hiếu của khách hàng, nhưng ông Ảnh vẫn phải chấp nhận một thực tế là“những món đồ chơi dân gian đang dần vắng khách”. Trẻ em trong thời hội nhập, thường tiếp thu nhanh và hứng thú hơn với các trò chơi hiện đại. Và thế là theo thời gian “bài thuốc tò he bí truyền chữa bệnh khóc cho trẻ” của nghệ nhân 83 tuổi Nguyễn Văn Ảnh cũng phần nào giảm đi phần công dụng kỳ diệu.

Ông Ảnh không quá buồn vì điều này bởi trong ông còn ẩn chứa nỗi trăn trở lớn lao hơn: “nghề nặn tò he đang ngày càng mai một ở chính nơi sinh ra nó, lớp trẻ làng ông chẳng mấy người còn muốn nối nghiệp”.

Ông tâm sự: “Còn sức khỏe, tôi còn gắng giữ nghề thêm vài năm nữa để lũ trẻ tại thành phố này còn được chứng kiến tận mắt món đồ chơi giản dị mà độc đáo này của cha ông. Còn lúc về quê, chỉ hi vọng truyền được nghề lại cho đứa cháu, thế là đã mãn nguyện để nhắm mắt xuôi tay rồi". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một đời đau đáu giữ nghề tò he