Những ngày Tết cổ truyền đang đến gần, cụ bà Lê Thị Xâm vẫn khắc khoải với mong muốn giản đơn, chính quyền cấp lại căn nhà tái định cư để cụ sống những ngày cuối đời, để có nơi thờ tự cho cha, chồng và hai con trai - những người đã vì đất nước hi sinh.
Nỗi đau thời chiến tranh
Trong căn nhà tạm ở quận vùng ven, cụ bà Lê Thị Xâm, xé lòng kể: Tháng 2/1945, khi mới 16 tuổi, cụ thoát ly gia đình đi theo cách mạng làm giao liên, tham gia dân quân du kích hoạt động khu vực nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Những năm tháng hoạt động cách mạng đã có nhiều lần vào sinh ra tử.
Cụ bà Lê Thị Xâm chia sẻ về nỗi đau, sự hi sinh vì đất nước thời chiến tranh không dễ gì có thể đong đếm được
Từ cô gái trẻ làm giao liên xông pha trận mạc, cụ trưởng thành trở thành Tiểu đội trưởng liên lạc du kích hoạt động tại xã Phong Đước, huyện Cần Giuộc, Chợ Lớn (nay là xã Phong Phú, huyện Bình Chánh). Năm 1947, cụ được cấp trên tin cậy giao nhiệm vụ Đội 2 biệt động thuộc Tiểu đoàn 308. Tham gia 9 năm chiến đấu trên các mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn, Giồng Ông Tố, An Phú Đông, Bà Rịa- Vũng Tàu trước khi xuống tàu tập kết ra miền Bắc, cụ là Đại đội trưởng du kích hình – hỗ trợ đặc công thuộc Tiểu đoàn 307.
Trong những năm tháng khói lửa chiến tranh đó, tình yêu giữa nữ chỉ huy dân quân cùng chiến sĩ quân y Lưu Đình Tích nảy nở. Đám cưới đơn sơ được tổ chức ngay trong căn cứ kháng chiến và hai người con trai lần lượt ra đời là Lưu Đình Lẹ và Lưu Đình Gòn. Hai người con lớn lên trong lửa đạn.
Năm 1952, nỗi đau đổ xuống người chỉ huy du kích trẻ. Trong một trận càn của quân Pháp vào căn cứ, sợ bị lộ đồng đội đã bịt miệng để hai cháu đừng kêu khóc. Điều không ngờ, vì quá vội vàng, bàn tay thô ráp của đồng đội đã bịt luôn mũi làm hai cháu ngạt thở. Bị ngạt hai cháu càng vùng vẫy, càng bị xiết chặt. Khi quân Pháp đi qua, mọi người nhìn lại đã thấy hai cháu nhỏ đã tím tái, tắt thở từ lúc nào. Cùng một lúc người mẹ trẻ đã hy sinh cả hai con trai của mình. Nén nỗi đau mất con vào lòng, vợ chồng cụ tiếp tục cầm súng đánh giặc. Cụ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất.
Không chỉ gánh trên mình nỗi đau của người mẹ có hai người con trai hy sinh, cụ còn là con liệt sĩ. Cha cụ ông Lê Văn Côn trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1946, do cơ sở bị lộ, cha cụ đã bị thực dân Pháp bắt giam tại huyện Xuyên Mộc. Với những đòn tra tấn dã man của bọn thực dân không làm khất phục được ý chí của người chiến sĩ cách mạnh. Năm 1947, cha cụ được thả tự do nhưng không lâu đã qua đời do hậu quả của những đòn tra tấn trong tù.
Sự mất mát trong chiến tranh quá lớn, nhưng không bằng nỗi đau thời bình mà cụ nữ cán bộ tiền khởi nghĩa đã chịu đựng hơn hơn 20 năm qua. Đó là nhà cửa bị cưỡng chế giải tỏa, cuộc sống vô gia cư phải nay đây mai đó, đến chỗ để đặt bàn thờ tự cho người cha liệt sĩ, chồng và hai người con đã hy sinh cũng không có.
Tâm nguyện giản đơn thời bình
Đất nước vừa thống nhất, cụ Lê Thị Xâm đã trở lại Sài Gòn để tìm hài cốt, lo hương khói cho hai người con trai đã hy sinh. Cụ không chờ sự bố trí nhà của cơ quan. Năm 1976, với số tiền dành dụm, cụ mua căn nhà số 17 Nguyễn Văn Thủ (P. Đa Kao, Q.1). Căn nhà có diện tích xây dựng 92, 81m2 để làm nơi ở và làm nơi thờ tự cho cha, chồng và hai con trai.
Năm 1994, thực hiện chủ trương giải tỏa di dời để chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, căn nhà của cụ đã bị giải tỏa thu hồi. Theo phương án đền bù, gia đình cụ nhận 127,117 triệu đồng sẽ được mua nhà tái định cư, nếu không sẽ nhận được 142,111 triệu đồng. Gia đình cụ đã chọn phương án mua nhà tái định cư và đã ký nhận 90 triệu đồng. UBND TP.HCM có Quyết định số 6651/QĐ-UB ngày 11/12/1998 giải quyết cho gia đình mua căn hộ lô C chung cư 1A-1B Nguyễn Đình Chiểu quận 1, nhưng không thành. Người cán bộ tiền khởi nghĩa này rơi vào cảnh vô gia cư, cuộc sống nay đây mai đó bắt đầu từ đó.
Được biết, sau khi gia đình nhận 90 tiệu đồng tiền đền bù Quận 1 tiến hành cưỡng chế tháo dỡ thu hồi căn nhà số 17 Nguyễn Văn Thủ. Không còn nhà ở, cụ chuyển đến sống cùng gia đình con gái là bà Lưu Thị Thu ở nhà số 1Kép/5L Nguyễn Đình Chiểu quận 1. Tuy nhiên, chỉ ở trong một thời gian ngắn, căn nhà này cũng bị giải tỏa giao cho doanh nghiệp thực xây dựng cao ốc. Một lần nữa, cụ Xâm mang di ảnh của cha, chồng và hai người con trai theo con gái chuyển đến nhà số 11/11 lầu 1 Tản Đà (P.10, Q.5) ở tạm để chờ nhận căn hộ tái định cư.
Vậy nhưng, ở chưa được bao lâu, căn nhà đã bị lực lượng Thanh niên xung phong TP giải tỏa thực hiện dự án. Vạn bất đắc dĩ cụ phải cùng con gái chuyển sang quận 8 tá túc.
Bà Lưu Thị Thu chia sẻ với nỗi lòng trĩu nặng, nhà của mẹ tôi bị giải tỏa trắng. Gia đình tôi chấp nhận phương án nhận số ít tiền, mua nhà tái định cư để có chỗ ở ổn định theo quy định pháp luật. Năm 1998, UBND TP.HCM có Quyết định số 6651 cho gia đình tôi mua căn hộ tái định cư. Tuy nhiên đến nay, mẹ tôi cũng không nhận được căn nhà diện tái định cư để ở. Sau gần 10 năm với nhiều lần gửi đơn cầu cứu, ngày 16/7/2007, UBNDTP có Công văn số 4464/UBND duyệt bán cho gia đình căn hộ số C1- 404 lầu 4 lô C chung cư 212 Nguyễn Trãi quận 1 với diện tích 66,36 m2. Trớ trêu thay, khi giải tỏa căn nhà diện tích trên 90m2 mẹ tôi chỉ nhận được 90 triệu tiền đền bù, nay mua căn hộ hơn 66m2 UBNDTP phải trả tới trên 176 triệu đồng. Trong khi đó, tiền đền bù nhận được mẹ tôi đã chi trả thuốc thang mỗi khi ốm đau nên không còn đủ để mua nhà. Từ đó căn nhà bị cưỡng chế giải tỏa để làm đường Hoàng Sa. Thời điểm đó đến nay đã hơn 20 năm, mẹ tôi nhiều lần làm đơn yêu cầu chính quyền cấp căn hộ tái định cư nhưng vẫn không một nơi nào giải quyết.
Những ngày Tết cổ truyền đang đến gần càng nặng tâm cụ bà cán bộ tiền khởi nghĩa. Ở giữa thành phố mang tên Bác, nơi tuổi trẻ của vợ chồng cụ vào sinh ra tử, cũng là nơi hai người con trai hy sinh thầm lặng vì kháng chiến kiến quốc cụ bà Lê Thị Xâm vẫn khắc khoải với mong muốn giản đơn, chính quyền cấp lại căn nhà tái định cư để cụ an tâm sống những ngày cuối đời, để có nơi thờ tự cho cha, chồng và hai con trai đã ra đi vì đất nước của bà.