Mong mỏi có một cây cầu vượt sông Tranh

Sơn Tùng| 25/03/2016 06:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bị ngăn cách bởi sông Tranh, làng Tăk Rối bao đời nay vẫn biệt lập với phần còn lại của xã Trà Đập. Để ra được với thế giới bên ngoài, người dân phải vượt sông trên những con đò chòng chành đầy may rủi.

Làng Tăk Rối, thuộc thôn 4, xã Trà Tập, huyện vùng núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có hơn 100 hộ dân đồng bào dân tộc Ca Dong sinh sống. Nằm chơi vơi trên núi cao giữa đại ngàn Trường Sơn, làng Tắk Rối từ trước đến nay biệt lập với thế giới bên ngoài bởi dòng sông Tranh ngăn cách.

Dân làng muốn thông thương mua bán đều phải vượt sông, còn không phải mất cả ngày đi bộ qua các ngọn núi cao mới đến được bờ bên kia. Mùa nắng là vậy, khi mùa mưa về nước sông dâng cao, dòng sông chảy xiết khiến cả làng bị cô lập giữa núi rừng.

Từ Quốc lộ 40B, đoạn qua xã Trà Mai lên trung tâm huyện Nam Trà My, có thể dễ dàng nhìn thấy làng nằm lọt giữa đại ngàn hoang vu. Làng ngay trước mắt nhưng để đến đó phải mất cả một đoạn đường gian nan khi bị ngăn cách bởi dòng sông rộng gần 100 mét, nước chảy xiết và nhiều ghềnh đá, trơn trượt.

Mong mỏi có một cây cầu vượt sông Tranh

Người dân làng Tăk Rối vượt sông trên những chiếc ghe chòng chành đầy nguy hiểm

Trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, người dân đã nghĩ ra cách dùng ruột xe ô tô bơm căng để vượt sông dữ. Ông Trương Quang Thiều tâm sự: “Cả làng Tăk Rối chỉ có một chiếc ghe, còn lại lấy ruột xe ôtô để làm phương tiện qua sông. Nhưng gần đây ruột xe bị thủng chưa vá được. Mùa này sông chảy không mạnh nên mọi người có thể dùng ghe nhỏ, còn mùa mưa nước sông dâng cao, chảy xiết chúng tôi không tài nào qua được bờ bên kia”.

Những người dân nơi đây cho biết, thôn 4 có hơn 70 em học sinh từ tiểu học đến trung học cơ sở, muốn đi qua trường xã học chỉ có cách vượt sông. Mùa nắng các em được ba mẹ đặt lên ruột xe vượt sông đến trường. Vào mùa mưa nước dâng lên cao rất nguy hiểm nên các em đành nghỉ học.

Mong mỏi có một cây cầu vượt sông Tranh

Cả làng bị ngăn cách bên ngoài bởi dòng sông Tranh

Còn ông Hồ Văn Út cho hay, “Để mang bán đót rừng, quế, khoai hay sắn… có ngày tôi phải vượt sông 3, 4 lần. Lúc trước nhà nào cũng có ruột xe nhưng do thường xuyên sử dụng, ruột xe bị thủng, hư hỏng không có tiền sửa nên bỏ. Nếu có người bị đau ốm bệnh tật gì cũng ngồi trên ghe hoặc ruột xe ôtô để qua sông đến Trạm Y tế xã Trà Mai cấp cứu...”

Trước những khó khăn và nguy hiểm của người dân khi vượt sông, chính quyền địa phương đã nghĩ đến phương án cầu treo. Việc có một cây cầu vượt sông Tranh là cần thiết đối với người dân xã Trà Tập, bởi đó là điều kiện để bà con phát triển kinh tế và mỗi mùa mưa về người dân trong làng không phải lo lắng vượt sông chông chênh bằng những chuyến đò.

Mong mỏi có một cây cầu vượt sông Tranh

Người dân chờ được qua bờ bên kia

“Chúng tôi nghe thông tin sẽ xây cầu treo bắt qua đoạn sông Tranh nối giữa hai bờ của xã Trà Tập và xã Trà Mai cho người dân đi lại. Thế mà chờ mấy năm rồi không thấy động tĩnh gì, người dân rất thì xót ruột không biết chính quyền hứa với dân có thực hiện được hay không”, ông Út buồn rầu nói.

Theo ông Nguyễn Đình Tân, Trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Nam Trà My cho biết, Bộ Giao thông vận tải có chương trình cầu treo dân sinh và giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện. Trong đó, huyện Nam Trà My được 1 cây cầu treo. Sau đó, huyện đã tổ chức tiến hành giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn nhưng đến nay vẫn chưa thấy xây dựng.

“UBND huyện đã có văn bản gửi lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhưng vẫn thấy chưa hồi âm. Họ có hứa với đồng bào dân tộc nơi đây tháng 5/2015 sẽ có cầu treo ở xã Trà Tập nhưng hiện giờ vẫn chưa thấy. Vì thế hằng ngày người dân tự dùng ruột xe ôtô hay ghe nhỏ vượt sông rất nguy hiểm. Mong các cấp chính quyền sớm quan tâm xây dựng cầu treo để giúp cho đồng bào qua sông được an toàn”, ông Tân kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mong mỏi có một cây cầu vượt sông Tranh