Hình ảnh vệ tinh mới ngày 30/3 cho thấy ô nhiễm không khí đã giảm hẳn ở các khu vực đô thị trên khắp châu Âu trong thời gian phong tỏa để chống lại sự lây lan của virus corona.
Tòa nhà South Tower trong thời gian chính phủ Bỉ áp đặt lệnh phong tỏa để làm chậm sự bùng phát của Covid-19 tại Brussels, Bỉ, ngày 27 tháng 3 năm 2020 trở nên dễ nhìn thấy hơn mọi ngày nhờ không khí trong sạch hơn.
Các thành phố bao gồm Brussels, Paris, Madrid, Milan và Frankfurt cho thấy sự giảm mạnh mức độ trung bình của nitơ dioxide độc hại trong những ngày từ 5 đến 25 tháng 3, so với cùng kỳ năm ngoái, theo hình ảnh vệ tinh Sentinel-5. Có thể thấy các lệnh phong tỏa ở nhiều nước châu Âu đã hạn chế những hoạt động vận chuyển đường bộ - là hoạt động tạo ra nguồn oxit nitơ lớn nhất - và làm chậm sự phát thải khí tại các nhà máy.
Những hình ảnh mới, do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố và được phân tích bởi Liên minh sức khỏe cộng đồng châu Âu (EPHA) phi lợi nhuận, cho thấy mật độ thay đổi của nitơ dioxide, có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và ung thư cũng như bản đồ nhiệt. Các sự kiện thời tiết hàng ngày có thể ảnh hưởng đến ô nhiễm khí quyển, vì vậy các bức ảnh vệ tinh lấy trung bình 20 ngày và loại trừ các hình ảnh bị mây che phủ làm giảm độ chính xác của dữ liệu.
Dữ liệu từ Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho thấy xu hướng tương tự trong các ngày từ 16 đến 22 tháng 3. Tại Madrid, nồng độ nitơ dioxide trung bình giảm 56% mỗi tuần sau khi chính phủ Tây Ban Nha cấm đi du lịch không cần thiết vào ngày 14 tháng 3.
EPHA cho biết những người sống ở các thành phố bị ô nhiễm có thể có nguy cơ cao hơn từ COVID-19, vì việc tiếp xúc lâu với không khí xấu có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến việc chống viêm nhiễm trở nên khó khăn hơn. Giải thích đó rất có lý, ông Zoltan Massay-Kosubek - Giám đốc chính sách về không khí sạch tại EPHA - cho biết, nhưng vì căn bệnh này là mới, nên điều đó vẫn cần phải được chứng minh.
Trung Quốc cũng ghi nhận sự sụt giảm ô nhiễm nitơ dioxide ở các thành phố trong tháng 2, khi chính phủ áp đặt các biện pháp khóa phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh hoành hành. Tuy nhiên, tại một số khu vực của Ba Lan, nồng độ nitơ dioxide vẫn tương đối cao trong giai đoạn này mặc dù đã có lệnh phong tỏa, có lẽ do sự phổ biến của hệ thống sưởi bằng than tại nước này.
Các quốc gia có lệnh phong tỏa chậm hơn các nước khác - chẳng hạn như Anh mới phong tỏa từ ngày 23 tháng 3 - có vẻ như cũng bắt đầu có sự cải thiện về ô nhiễm không khí trong những tuần tới, EPHA cho biết.
Theo dữ liệu EEA cho thấy, ô nhiễm không khí gây ra khoảng 400.000 ca tử vong sớm mỗi năm ở châu Âu. Ô nhiễm không khí có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh ung thư phổi, bệnh phổi và đột quỵ.