Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nhưng trung bình mỗi năm bom mìn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam cướp đi tính mạng của 1.535 người và 2.272 người khác phải mang thương tật suốt đời. Thật là con số kinh hoàng đối với thời bình.
Rà phá bom mìn
Mỗi ngày 4 người chết vì bom mìn
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, đại diện các quốc gia, các tổ chức quốc tế và đại diện các nạn nhân của bom, mìn sau chiến tranh đã tham dự Chương trình.
Gần một thế kỷ, trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm nên bom đạn có mặt ở hầu hết các tỉnh trong cả nước ta. Riêng quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 16 triệu tấn bom đạn trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Mặc dù chiến tranh đã qua đi vài chục năm, nhưng hàng trăm nghìn tấn bom đạn vẫn còn sót lại, chiếm tới trên 20% diện tích cả nước và ở rất nhiều nơi. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước đã có 42.132 người bị chết và 62.163 người bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh gây ra. Trung bình mỗi năm bom mìn sót lại sau chiến tranh cướp đi tính mạng của 1.535 người và 2.272 người khác phải mang thương tật suốt đời. Như vậy, trung bình mỗi ngày hơn 4 người chết và 6-7 người bị thương. Thật là con số kinh hoàng với thời bình.
Diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn chiếm hơn 20% diện tích cả nước, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Vì vậy, trong nhiều năm qua, các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội cùng với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã dò tìm, thu gom, xử lý được hàng triệu bom mìn vật nổ các loại; giải phóng hàng trăm nghìn ha đất, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh; tái tạo quỹ đất, bảo đảm môi trường, điều kiện an toàn cho sản xuất, đời sống của người dân; giảm thiểu tai nạn, thương tích do bom mìn.
Từ yêu cầu cấp thiết của thực tế, ngày 21-4-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 nhằm huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội.
Theo kế hoạch, chương trình hành động sẽ được chia là 6 dự án cụ thể phân chia cho các Bộ, ngành liên quan cùng thực hiện. Trong đó Dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2012-2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặc biệt được quan tâm với tổng kinh phí dự trù lên đến 1028 tỷ đồng.
Cần hơn 10 tỷ USD và trên 100 năm
Nhân ngày Thế giới phòng chống bom, mìn (4-4), tối 2-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 504) đã tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh”.
Phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phát động phong trào “Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2012 - 2015”. Phó Thủ tướng cho hay, để làm sạch hết bom, mìn sau chiến tranh, Việt Nam cần kinh phí trên 10 tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư bảo đảm an sinh xã hội cho vùng ô nhiễm bom, mìn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với việc huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu, chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế, giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh. Thông qua Chương trình này, Việt Nam mong muốn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong nước, quốc tế để tạo sự ủng hộ, đóng góp vào việc khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam; tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ để vận động, thu hút tài trợ ODA, tài trợ không hoàn lại, tài trợ nhân đạo cho các hoạt động này. Chính phủ Việt Nam cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã hợp tác cùng các ban, ngành, địa phương của Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam.
Thông qua Chương trình, Ban tổ chức mong muốn cộng đồng xã hội hiểu rõ hơn về thực trạng hậu quả bom, mìn còn sót lại, gây ảnh hưởng to lớn đến đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nêu nhu cầu bức thiết về giải quyết hoàn toàn bom, mìn, vật liệu nổ và hỗ trợ nạn nhân bom, mìn hiện nay. Chương trình đã góp tiếng nói kêu gọi các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tiếp tục giúp Việt Nam khắc phục hậu quả, hỗ trợ nạn nhân bom, mìn.
Bảo Thư