Vấn đề quan tâm

Mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài

Nguyễn Cúc 19/03/2024 06:30

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được kết cấu gồm 8 chương và 145 điều. Trong đó có một số nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý như vấn đề mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.

Trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) giữ nguyên các nội dung gồm: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; Dịch vụ việc làm (đổi tên); Bảo hiểm thất nghiệp; Quản lý nhà nước về việc làm; Hệ thống thông tin thị trường lao động (đổi tên); bổ sung nội dung phát triển kỹ năng nghề và đổi tên thành “Phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia”; bổ sung nội dung “Đăng ký lao động”.

unna.jpg
Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được kết cấu gồm 8 chương và 145 điều, trong đó có một số nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý như vấn đề mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.

Theo dự thảo, Luật Việc làm quy định đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ giới hạn tại 5 nhóm lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân người có công với cách mạng trong khi thực tế một số nhóm đối tượng khác như thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành các nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và các đối tượng lao động khác chưa được quy định hoặc theo quy định của từng địa phương, chưa đảm bảo bình đẳng về cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài.

Mặt khác, hiện nay, nhiều địa phương đã ký các thỏa thuận đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài (theo hình thức thời vụ) nhưng chưa được quy định cụ thể trong Luật nên nhiều lao động cũng chưa được tiếp cận nguồn vốn.

Do đó, Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài bao gồm: Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước về việc làm cấp tỉnh với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Sửa đổi, bổ sung quy định về ưu tiên các đối tượng sau: Người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình; Người lao động là thân nhân người có công với cách mạng; Người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Người lao động có đất thu hồi; Người lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng.

Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động do Luật Việc làm đã quy định về nội dung thông tin thị trường lao động, thông tin đã được thu thập, cung cấp, tuy nhiên chưa có quy định về khái niệm và chức năng của hệ thống thông tin thị trường lao động. Thông tin thị trường lao động được thu thập, tổng hợp từ nhiều nguồn và do nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện theo những mục tiêu khác nhau và không được tổng hợp, lưu trữ chung để phục vụ khai thác, quản lý chung.

Mặt khác, các quy định hiện nay trong Luật chưa quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan thống kê, Ủy ban nhân dân các cấp) trong việc thu thập, tổng hợp, phân tích, dự báo, phổ biến thông tin thị trường lao động.

Từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động theo hướng: Quy định khái niệm và chức năng của hệ thống thông tin thị trường lao động; Sửa đổi, bổ sung các quy định về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong xây dựng, phát triển hệ thống thông tin thị trường nhằm phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường lao động, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật về thống kê và các quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài