Sáng nay (20/7), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rời Hà Nội, lên đường đi thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia theo lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni từ ngày 20-22/7.
Diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia, chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử, là dịp để hai bên nhìn lại thành quả quan hệ 50 năm qua; tiếp tục chung tay vun đắp mối quan hệ hợp tác toàn diện bền vững, ổn định và đi vào chiều sâu, mở ra thời kỳ phát triển mới trong quan hệ hai nước.
Mối liên kết tự nhiên và lịch sử gắn bó vận mệnh hai nước
Cách đây 50 năm, trong bức điện gửi Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk ngày 23/6/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ việc đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam-Campuchia là biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu. Đó là sự kiện lịch sử trong quan hệ hai nước, một nhân tố tích cực trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á.
Là hai nước láng giềng có chung đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1.137km, có vùng biển liền kề, có sông Mekong nối liền hai nước, trong lịch sử, hai nước đã cùng chung chiến hào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, lật đổ chế độ diệt chủng và ngày nay đang hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Có thể nói chính mối liên kết chặt chẽ về tự nhiên và lịch sử đã gắn bó vận mệnh của hai dân tộc láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau." Nửa thế kỷ qua là giai đoạn hết sức đặc biệt trong lịch sử quan hệ hai nước, khi Việt Nam và Campuchia đều trải qua những năm tháng khó khăn và thử thách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển trong hòa bình. Đó là khi hai dân tộc kề vai sát cánh bên nhau chống kẻ thù chung, mang lại hòa bình cho mỗi quốc gia và cho khu vực Đông Dương. Đó cũng là khi quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu cùng nhân dân Campuchia đánh đổ tập đoàn diệt chủng Pol Pot, khép lại trang sử đen tối với chiến thắng lịch sử ngày 7/1/1979, mở ra giai đoạn hồi sinh mạnh mẽ cho dân tộc Campuchia, như chính Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã khẳng định “nếu không có Việt Nam thì không có Campuchia ngày nay".
Cùng với đó là việc các lực lượng đối lập thù địch không từ một thủ đoạn nào để chống phá, chia rẽ quan hệ hai nước, từ xuyên tạc, bóp méo lịch sử, lợi dụng một số vấn đề còn tồn đọng trong quan hệ Việt Nam-Campuchia để kích động,… hòng thực hiện những âm mưu đen tối. Những khó khăn và thách thức mới trong quá trình phát triển đòi hỏi hai nước láng giềng ở khu vực Đông Nam Á phải không ngừng vun đắp mối quan hệ hợp tác theo hướng thực chất, hiệu quả hơn. Nền tảng vững chắc để củng cố mối quan hệ song phương chính là tình hữu nghị lâu đời và đoàn kết gắn bó khăng khít giữa hai dân tộc. Hai nước hợp tác trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, chân thành hỗ trợ nhau cùng phát triển. Nhờ thế, những âm mưu phá hoại, chia rẽ quan hệ hai nước đã bị vạch trần và lên án.
Đồng thời, không thể không nhắc tới sự giúp đỡ và tương trợ khá hiệu quả mà Việt Nam và Campuchia đã dành cho nhau trong giai đoạn phát triển hòa bình, thông qua các hoạt động hợp tác an ninh-quốc phòng, thương mại-đầu tư, y tế-giáo dục, phối hợp tích cực xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, hay sự hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
“Đồng cam cộng khổ” trong chiến đấu, chia ngọt sẻ bùi trong xây dựng hòa bình được coi là những tài sản vô giá, thiêng liêng của mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Campuchia. Những thành quả đạt được trong quan hệ hai nước 50 năm qua cũng đã tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam và Campuchia bước vào giai đoạn hợp tác mới chất lượng và hiệu quả hơn, phù hợp với hình hình mới ở mỗi nước và trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam và Campuchia đều thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Cả hai nước đều hết sức coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài,” trên cơ sở các nguyên tắc: Tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; không cho phép bất cứ lực lượng chính trị, quân sự nào dùng lãnh thổ của mình chống lại nước kia; hợp tác bình đẳng cùng có lợi; giải quyết mọi vấn đề nảy sinh giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình.
Tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện ổn định, đi vào chiều sâu
Trong những năm qua, mặc dù tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, tình hình ở mỗi nước cũng có những khó khăn nhất định, song với sự nỗ lực, cố gắng của hai bên, quan hệ giữa Việt Nam với Campuchia tiếp tục có những bước phát triển quan trọng cả chiều rộng lẫn chiều sâu, thực sự trở thành một nhân tố quan trọng góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định lâu dài để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia của mỗi nước .
Chiều 25/6/2017 vừa qua, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia Heng Samrin nhân tham dự Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 3, năm 2017
Hai bên tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, tăng cường trao đổi các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp.
Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, hai bên đã trao đổi trên 150 đoàn các cấp. Nhiều văn kiện hợp tác giữa hai nước đã được ký kết, làm cơ sở cho việc phát triển hợp tác toàn diện giữa hai bên. Hợp tác kinh tế chính là chất keo kết dính tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc ngày càng bền chặt.
Hiện Việt Nam có 183 dự án đầu tư ở Campuchia với tổng vốn đăng ký khoảng 2,8 tỷ USD. Các dự án trong lĩnh vực viễn thông, hàng không, nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục tăng, trung bình trong 5 năm gần đây đạt khoảng 3 tỷ USD/năm. Không chỉ giúp Campuchia phát triển kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam còn là những nhà đầu tư có trách nhiệm, làm tốt công tác an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện đời sống người dân địa phương, được phía Campuchia ghi nhận và đánh giá cao. Định hướng đến năm 2020, nguồn vốn đầu tư của Việt Nam vào Campuchia sẽ đạt 6 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và Campuchia có tiềm năng đầu tư.
Mỗi năm, Việt Nam dành cho Campuchia hàng nghìn suất học bổng đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Campuchia cũng giúp Việt Nam đào tạo cử nhân ngôn ngữ, văn hóa Khmer. Quan hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, giữa các đoàn thể quần chúng và giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung đường biên giới hai nước ngày càng phong phú, thiết thực, hiệu quả. Điển hình như tỉnh Prec Sihanuk của Campuchia có quan hệ kết nghĩa với thành phố Hải Phòng, có quan hệ hợp tác với tỉnh Kiên Giang và một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Hai bên đã phối hợp triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác về quốc phòng, an ninh, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, xã hội ở mỗi nước, an ninh, an toàn biên giới trên bộ và trên biển; đồng thời chủ động, tích cực phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) và các diễn đàn hợp tác Tiểu vùng sông Mekong.
Đây là lần thứ hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Campuchia vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng xã, phường khóa IV; quan hệ Việt Nam-Campuchia tiếp tục được củng cố, tăng cường trên các lĩnh vực.
Qua chuyến thăm, Việt Nam khẳng định đường lối, chủ trương nhất quán, luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc củng cố, tăng cường quan hệ với Campuchia và Đảng Nhân dân Campuchia.
Chuyến thăm nhằm tăng cường sự tin cậy, gắn bó giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Nhân dân Campuchia; tiếp tục thúc đẩy thực hiện có kết quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước; tạo điều kiện chính trị thuận lợi cho việc thúc đẩy giải quyết một số vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa hai nước; tiếp tục chung tay vun đắp mối quan hệ hợp tác toàn diện bền vững, ổn định và đi vào chiều sâu, mở ra thời kỳ phát triển mới trong quan hệ hai nước.
Sáng 20/7, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội đi thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia. Tham gia đoàn cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Phân ban Hợp tác Việt Nam-Campuchia; ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Campuchia; ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước; ông Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Hồ Mẫu Ngoạt, Trợ lý Tổng Bí thư; ông Thạch Dư, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vương quốc Campuchia. |